Post Top Ad

TẢN VĂN

HUYỀN HỌC

Phong Nguyệt Đàm

Post Top Ad

 Phẩm chất nào tạo nên một “người cao quý”?



Người xưa phân biệt rất rõ ràng giữa "phú" và "quý", "phú" là giàu mà "quý" là cốt cách cao quý. Chính vì thế mà người xưa thường chúc nhau "phú quý" song toàn, tức là vừa giàu vừa cao quý. "Phú" là cái của cải bên ngoài, còn "quý" chính là cốt cách bên trong của một con người, "phú" có thể đạt được nhờ tài nghệ, nhưng "quý" thì nhất định phải có tu dưỡng mới thành. Người giàu có chưa chắc gì đã cao quý, người cao quý cũng không nhất định phải giàu có. 


Cao của cao quý, không phải là vị trí cao hơn người mà nghĩa của nó là "thanh cao".


Sự cao quý trong cốt cách của một người không thể mua được bằng tiền mà đến từ sự giáo dục của gia đình và phẩm hạnh cá nhân. Đa phần chúng ta ai cũng mong muốn có vị trí cao trong cuộc sống và được người khác tôn trọng, nhưng cái cao đó chỉ là cao ở địa vị mà thôi.


Vậy phẩm chất nào tạo nên một người cao quý?


1. Đạo đức

Đầu tiên chắc chắn phải là đạo đức.


Người xưa nói: “Hậu đức tải vật”, nghĩa là chỉ cần một người có đức tốt thì không có gì mà không gánh vác nổi. Ngược lại, nếu một người không có đạo đức thì không thể làm được việc lớn. 

Đạo đức, có thể hiểu là cái "đức" của "đạo" hoặc cái "đạo" của "đức", đạo thì to lớn bao trùm tất cả, sinh ra tất cả, đức của đạo chính là bao dung lấy vạn vật, che chở lấy chúng sinh. Người có đạo đức chính là người có được cái đức của đạo, có tấm lòng nhân từ, bao dung, che chở lấy người yếu thế hơn mình. Không bởi vì vị trí của mình cao hơn mà khinh miệt người khác, không bởi vì mình tài giỏi hơn mà xem thường người khác, không bởi vì mình giàu có hơn mà giở thói trưởng giả hách dịch,... 

Tuy bản thân hơn người nhưng vẫn khiêm tốn, nhúng nhường như mình là kẻ tầm thường. Có tài nhưng không khoe khoang, giàu có nhưng không hoang phí, nắm quyền lực trong tay mà không kiêu ngạo.

Có đạo đức chính là bản thân lâm vào cảnh khốn đốn cũng vẫn giữ mình thanh sạch, không vì lợi mà quên nghĩa, không vì bần cùng mà sinh đạo tặc. Dù nghèo nhưng vẫn không thất chí, buông bỏ lý tưởng, bần nhưng không hèn. Dù tài năng mình không bằng người, nhưng không vì thế mà ghen ghét, đố kỵ.


Ăn mặc đẹp đẽ, sang trọng nhưng ánh mắt dâm tà, cử chỉ đê tiện, thử hỏi có gì mà cao quý? Chẳng qua cũng như một cái chén đất phủ lớp sứ trắng bên ngoài, thoạt trông thì đẹp đẽ, nhưng giá trị thật chẳng đáng bao nhiêu.


Bản thân nghèo khổ, ăn mặc rách rưới, nhưng lòng ôm chí lớn, chuyên tâm cầu học, tâm thái trung chính đường hoàng, bụng dạ từ bi, dù vẻ ngoài bần cùng nhưng tự khắc người toát ra khí khái cao quý, mặt mày lấm lem nhưng ánh mắt tự nhiên sáng ngời. Tựa như cái chén ngọc bị lẫn trong bùn đất, tuy dơ dáy nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn thổi qua cuốn trôi bụi trần, chén ngọc quý giá sẽ hiện thân đẹp đẽ, rực rỡ.


Trong kinh dịch có nói đến một triết lý như thế này: "kẻ không tài mà có đức vẫn có thể tạo phúc cho thiên hạ, kẻ có tài mà không đức chỉ khiến thiên hạ thêm loạn mà thôi!"


Thế mới thấy, không có đạo đức, đến làm người còn không xứng thì nói gì đến 2 chữ "cao quý".


2. Nhân nghĩa


Nhân của nhân từ, nghĩa của tình nghĩa. Nhân trong cử xử với người lạ, nghĩa trong cư xử với người quen.


Thế gian này có rất nhiều người vì một lý do nào đó mà đột nhiên trở nên giàu có, đi đến nhà hàng ăn uống thì tỏ vẻ, ra oai, la mắng người phục vụ vì những lý do không đáng, gặp người nghèo thì khinh khỉnh xem thường, trở nên giàu có thì bắt đầu giở thói dâm tiện, hách dịch, đó chính là bất nhân. Thật nực cười thay, họ không biết rằng những điều đó không những không khiến cho người khác kính nể mà còn biến bản thân trở nên bẩn thỉu trong mắt người khác. Có một số người lãnh đạo rất thích bắt chẹt những lỗi nhỏ nhặt của nhân viên, những lỗi không đáng, không quan trọng, họ cho rằng làm thế là để thể hiện uy nghiêm của họ, nhưng thật ra chính họ là liều thuốc độc trong môi trường đó.


Có những người khi trở nên giàu có, thì bỏ rơi người vợ người chồng từng cùng mình vượt qua bão giông, để tìm đến thứ tình cảm thỏa mãn xác thịt. Khi giàu có rồi thì bỏ rơi những người bạn đồng chí từng cùng mình trải qua những năm tháng túng thiếu thuở ban đầu lập nghiệp, bỏ rơi những người đã hết lòng với mình trong lúc khó khăn nhất của cuộc đời. Khi giàu có rồi thì xem thường chính những người đã từng giúp đỡ mình trong những giai đoạn truân chuyên. Đó chính là bất nghĩa! những kẻ như thế này chính là loại người ngu xuẩn, đê hèn bậc nhất thế gian. Họ không biết rằng thành công của họ sẽ sớm thôi phải lụi tàn. Vì người quân tử có lòng tự trọng của họ, một khi đã bị phản bội, một khi họ đã quyết định rời đi thì vĩnh viễn sẽ không bao giờ trở lại. "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", rồi những kẻ sau này đến bên mình cũng chỉ là loại đê tiện phản trắc mà thôi, vây quanh bởi những loại người như vậy, cơ nghiệp có thể lâu bền được sao?


Đối xử tử tế với người lạ chính là "Nhân", đối xử tử tế với người quen chính là "nghĩa".


Không quan trọng bạn giàu có ra sao, bộ đồ bạn mặc đắt tiền thế nào, sự cao quý của bạn chính là được thể hiện ở cách bạn đối xử với người khác. Một nụ cười gửi đến cô bé phục vụ cho ta ly cafe buổi sáng, một tiếng cảm ơn cho anh lấy rác mỗi tuần, xin lỗi nếu như ta làm gì đó không hay, nếu chuyện nhỏ nhặt không đáng xảy ra thì ta hãy cứ mỉm cười và nói "không sao!". Đó chính là Nhân.


Được ai đó giúp đỡ, nhất định phải ghi khắc trong tim, khi có cơ hội nhất định phải đền đáp. Trân trọng lấy những người vẫn đang bên cạnh mình, cùng đồng hành với ta qua những đoạn ghập ghềnh của tháng năm. Đó chính là nghĩa.


Người sống không có "nhân nghĩa" thì khác gì loài cầm thú, chỉ biết chăm chăm cho miếng ăn của mình, rồi đến một ngày cũng sẽ trở thành miếng ăn cho kẻ khác.


Nhân nghĩa chính là một phẩm chất cực kỳ quan trọng để rèn luyện nên cốt cách "cao quý", cao quý phải toát ra từ xương tủy, chỉ có hành động bên ngoài nhưng thiếu nội tại bên trong thì cuối cùng cây kim trong bọc cũng phải lòi ra. Nhân nghĩa phải xuất phát từ nội tâm mới thực sự là nhân nghĩa, lúc bình thường tỏ ra rất tử tế nhưng lên mạng xã hội thì sân si đủ điều, đó chính là thể hiện của một người chưa đủ hàm dưỡng, cần phải tu dưỡng thêm để đạt được cao quý chân chính.


3. Giữ chữ tín


Có câu "một lần bất tín vạn lần bất tin", thử hỏi trên thế gian này có người nào không được người khác tin tưởng mà lại có thể cao quý hay không? 


Sự tín nhiệm là một điều hết sức quan trọng, con người khó mà cùng nhau hợp tác nếu không có sự tín nhiệm, trò làm sao có thể học nếu không tin thầy, gia đình sao có thể hạnh phúc nếu vợ chồng không tin tưởng nhau, một quốc gia sao có thể vững bền nếu chính quyền không có được lòng tin của dân chúng, tôn giáo làm sao phát triển nếu các tín hữu không tin. 


Trong một tập thể, một cộng đồng sẽ trở nên như thế nào nếu vây quanh chúng ta chỉ có sự nghi ngờ? 


Nhân sinh này, người ta chỉ kính trọng những người nói được làm được, chẳng ai thích một kẻ dối trá cả.  Một người cao quý chính là mỗi một lời nói ra đều có trọng lượng, đều phải suy nghĩ kỹ càng. Người cao quý rất kiệm lời hứa hẹn, vì với họ một khi lời hứa đã đưa ra thì đó chính là cam kết của việc chắc chắn sẽ thực hiện, khi đã hứa hẹn cũng chính là lúc họ nhận lấy trách nhiệm cho lời nói của mình. Một kẻ chỉ biết ba hoa, khua môi múa mép, trong mắt thiên hạ vốn đã là trò cười, còn nói gì đến hai chữ cao quý nữa. 


Trong Kinh Dịch có triết lý "người cao quý không phải chỉ có vẻ ngoài cao quý, mà bên trong cũng phải cao quý". Như con hổ có bộ da rất quý, con chim công có bộ lông rất đẹp, nhưng đó chỉ là cái cao quý bề ngoài, bên trong chúng vẫn chỉ là loài cầm thú mà thôi. Thế mới thấy sự cao quý của một người nếu chỉ xét ở bề ngoài thì chưa đủ, mà phải có cả nội tâm cũng cao quý. Bề ngoài chỉ cần khoác vào lớp áo, nhưng nội tại bên trong thì không đơn giản như vậy, phải trải qua năm tháng tu dưỡng tích lũy mà thành. Một cây gỗ chỉ cần sơn phết là có thể đẹp đẽ, nhưng để có thể trở nên chắc chắn, rắn rỏi, giá trị, thì chính là phải đằng đẵng trải qua năm tháng hình thành từng chút một vân lõi, không đơn giản chỉ là chuyện một sớm một chiều.



4. Khiêm tốn

Người càng cao quý thì càng hiểu được đạo lý "núi cao còn có núi khác cao hơn".


Cao thì thường hay ngạo, phú thì thường hay kiêu. Cái thường tình ở đời thì có gì mà quý, châu ngọc nếu như có đầy đường như sỏi đá thì thử hỏi có còn quý hay không, người tài cao mà không ngạo mạn, giàu có mà không kênh kiệu, quyền lực mà vẫn khiêm nhường, đó mới là của quý hiếm trong thiên hạ. 


Nhân sinh là cõi vô thường, được mất, thành bại ở đời ai dám chắc mình có thể kiểm soát. Ngày hôm nay ta thành công, sao dám chắc rằng tất cả là do tài năng của mình, sao dám chắc rằng trong đó không có một phần cơ duyên. Bốn mùa thay đổi, thế sự xoay vần, ngày hôm nay trời yên biển lặng, tòa tháp vinh hoa mà ta xây dựng nên cao đẹp hùng vĩ, bởi vì trời yên biển lặng nên cơ đồ đó còn hùng vĩ, thử hỏi khi bão táp, tai họa giáng xuống, cơ đồ còn được bao nhiêu. Lúc thăng thì cao cao tại thượng, lúc trầm thì sao? Tất cả kiêu ngạo trước kia có ý nghĩa gì? 


Làm người vốn dĩ nên khiêm tốn, làm một người cao quý lại càng phải khiêm tốn. 


Trong kinh thánh có câu như thế này "ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên". Khiêm tốn chính là một trong những phẩm chất đỉnh cao nhất của sự tu dưỡng. Khi có thành tựu, ai mà chẳng muốn được khoe mẽ một chút, ai mà không mong mình được người khác kính trọng, công nhận tài năng của bản thân, đó vốn là chuyện thường tình chẳng có gì đáng trách. Nhưng nên nhớ rằng thế gian đến cuối cùng vẫn là trọng tài chứ không trọng danh, kẻ có danh tiếng nhưng bất tài vậy cái danh đó liệu có đẹp hay không, cái tiếng đó liệu có thơm hay không?. Thay vì tự nâng mình lên, hãy để cho thiên hạ tự nguyện nâng mình lên. Kẻ suốt ngày cứ ba hoa về bản thân, dù cho có thực tài đi chăng nữa cũng khiến cho người khác chán ghét, như một con chó dù cho có đẹp cách mấy nhưng suốt ngày cứ sủa ầm ỉ thì cũng khiến cho người ta cảm thấy phiền. Một con hổ không cần phải gầm, chỉ cần cuộn mình nằm nghỉ cũng vẫn toát ra phong thái vương giả của chúa sơn lâm. 


Một người chân chính khiêm tốn cũng giống như đại dương, bao dung hết thảy mọi loài thủy sinh trong lòng, nâng đỡ muôn vạn tàu thuyền, dù yên ả nhưng không kẻ nào dám xem thường, một khi nổi sóng chính là bá đạo tung hoành. Làm người không cần thiết phải khoa trương, nhưng một khi cất tiếng chính là từng lời đều có trọng lượng. 


Nên nhớ rằng kẻ không có giá trị dù đứng ở chốn đông người la ó cũng không ai thèm quan tâm, người có giá trị dù trốn vào rừng sâu núi thẳm thì cũng có kẻ tìm đến. Như người xưa có nói "nghèo ngồi giữa chợ không ai để ý, giàu thì ở nơi cùng cốc cũng có kẻ thăm". 


Người càng có thực lực lại càng khiêm tốn, vì người có thực lực cũng tự biết được giá trị của mình, đã biết giá trị của bản thân thì cần gì phải quảng cáo. Hãng lamborghini không bao giờ quảng cáo xe của họ trên truyền thông bình thường, vì người đủ khả năng mua xe của hãng này thì không có thời gian xem quảng cáo và cũng không cần xem quảng cáo để mua xe. Người không có đủ khả năng nhìn ra thực lực của bạn thì bạn lại càng không cần phải cố gắng thể hiện với họ làm gì, đạo bất đồng bất tương vi mưu, không cùng đẳng cấp thì không cần nhiều lời. 


5. Chính trực


Chúng ta không nhất thiết phải trở nên vĩ đại, nhưng hoàn toàn có thể làm một người chính trực. Cái gì gọi là chính trực, “chính trực” có nghĩa là công bằng, vô tư, không đạo đức giả, không phù phiếm, cao thượng. Bất cứ ai trên đời này đều có thể làm một người chính trực:

- Có câu "bần cùng sinh đạo tặc", thế nên nghèo mà không tham, đó là chính trực. Nghèo không đồng nghĩa với hèn, trên thế gian này có biết bao người dù nghèo vẫn giữ mình thanh sạch, dù đói vẫn không trộm cắp, thử hỏi người như thế không cao quý sao?

- Giàu nhưng không sa đọa, trước biết bao cám giỗ của nhục dục mà vẫn giữ mình, vẫn không ngừng tu dưỡng đạo đức, đó là chính trực. Có rất nhiều người vì bản thân giàu có mà lao vào những thú vui phù phiếm, đánh mất đi bản ngã thiện lương, vì giàu có mà ham mê những cuộc vui thác loạn, thay đào đổi kép, khinh miệt kẻ thấp, ngạo mạn với người trên. Người như thế chỉ có phú chứ không có quý, chỉ giàu chứ không sang, kẻ như vậy sao có thể cao quý cho được.

- Quyền lực nhưng chí công vô tư, không hạch sách đàn áp người yếu thế, đó là chính trực.


Con người ta dù cho đang ở trong hoàn cảnh như thế nào, cũng đều phải đối mặt với những cám giỗ của cuộc đời khiến bản thân buông lòng khỏi sự tu dưỡng đạo đức. Ở trong hoàn cảnh của bản thân, đối diện với những cám giỗ của cuộc đời, có những lúc cám giỗ đó lớn đến mức khiến cho người ta đánh mất bản thân, nhưng vẫn một mực không ngừng nghỉ kiên định với nẻo chính đường ngay, đó là chính trực.



6. Kiên trì


Hồng trần muôn vàn biến chuyển, không có kiên trì làm sao giữ được đạo đức? làm sao giữ được nhân nghĩa? làm sao giữ được chữ tín? làm sao giữ được khiêm tốn? làm sao giữ được chính trực?


Người không có kiên trì, đến một ngày họ thậm chí còn không biết bản thân sống vì điều gì, chẳng có một mục tiêu nào họ nỗ lực đến cùng với nó. Cái gì cũng dở dang, cái gì cũng nửa vời, thì thử hỏi họ có thể giữ được bản tâm của mình hay không, thử hỏi khi có một cám giỗ béo bở thì họ có sa ngã hay không?


Người kiên trì không chắc chắn sẽ thành công, nhưng chính vì kiên trì nên họ sẽ không hoang mang ở cuộc đời, vì họ biết mình muốn gì, họ có kế hoạch cho cuộc đời, và cứ thế từng bước kiên định thực hiện. Trên hành đó, họ ngắm nhìn nhân sinh như một chuyến du ngoạn, thành công thì viên mãn, không thành công thì hành trình đó cũng đã rất tuyệt vời.


Chỉ có kiên trì thì mới đưa con người ta đi xa với lý tưởng của mình. Vì cuộc đời này rất lắm những khúc cua, đôi khi ta không thể biết được chỉ một khúc cua nữa thôi là đến thành công. Nếu không kiên trì, rất có thể chính lúc ta bỏ cuộc lại là lúc ta đang ở khúc cua cuối cùng, bởi vì thành công khuất sau khúc cua đó nên ta mới không nhìn thấy nó.



7. Cảm thông


Một người không hẳn là có thể đồng cảm với tất cả chúng sinh, vì chúng ta không sống đủ dài để có thể tường tận hiểu được mọi hoàn cảnh của thế gian, nhưng ta hoàn toàn có thể cảm thông.


Chính bởi vì biết cảm thông, nên ta có cái nhìn trung dung với đời. Khi nhìn thấy cái ác, trước tiên ta căm ghét cái ác chứ chưa vội căm ghét kẻ gây ác. Nhìn thấy điều thiện, ta yêu mến cái thiện, nhưng cũng không vội cho rằng kẻ hành thiện đó là tốt lành. Vì cuối cùng vạn sự trên đời đều có lý do, đôi khi cái ta nhìn thấy như vậy nhưng không hẳn mọi thứ ẩn chứa phía sau sẽ giống như ta tưởng tượng.


Ta nhìn thấy một con báo giết chết một con nai con, ta cảm thấy con nai đáng thương còn con báo thật tàn ác, nhưng nếu như ta nhìn thấy những con báo con đang dần chết đói thì liệu khi ấy ta cảm thấy thế nào?. Ta thấy những tấm ảnh chụp việc làm từ thiện của ai đó up lên facebook, ta thấy họ thật tốt, thật đáng ngưỡng mộ, nhưng nếu như ta biết được rằng chính những người đó đã ăn chặn hàng tỉ đồng tiền từ thiện của các mạnh thường quân khác gửi cho người khó khăn, thì liệu ta cảm thấy ra sao.


Thật ra chẳng có đúng sai, tốt xấu gì ở đây cả, nhân sinh vốn dĩ là như vậy, vạn vật phải sinh tồn, làm người ắt có tham. Ta có thể thương cảm cho con nai, nhưng ta cũng không trách cứ con báo, ta có thể không thích sự giết chóc, nhưng ta hiểu đó là quy luật của tạo hóa, đó chính là cảm thông. Ta không thích sự tham lam, ta ghét hành vi lừa đảo, nhưng ta không ghét bản thân con người đó, vì ta biết bản chất con người phần lớn là tham lam, cái họ làm sai với quy chuẩn pháp luật nơi họ sống thì họ phải gánh lấy hậu quả, còn bản thân họ chẳng qua cũng chỉ là một kẻ dại khờ bị cuốn vào vòng xoáy lợi danh của hồng trần mà thôi, ta không ghét họ mà ta chỉ ghét hành vi của họ, đó chính là cảm thông.


Tại sao một người cao quý luôn ung dung điềm tĩnh, vì tâm họ cảm thông cho đời, vì cảm thông cho đời nên lòng họ nhẹ tênh. 


Hơn thua được mất ở hồng trần,

Thoáng trôi mấy đoạn tựa phù vân.




_Đoạn Hồng Trần_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad