Post Top Ad

TẢN VĂN

HUYỀN HỌC

Phong Nguyệt Đàm

Post Top Ad

  

3




Quẻ Thủy Lôi Truân này đại diện cho thời kỳ khó khăn, truân chuyên, khốn đốn trong giai đoạn khởi sự, lớn thì là buổi khởi sự hình thành nên nhân loại, nhỏ hơn thì là chuyện buổi đầu của một quốc gia - một triều đại, nhỏ hơn nữa chính là giai đoạn khởi sự lập nghiệp của một người.


Ngoài ra, quẻ này cũng đại diện cho những người đang rơi vào hoàn cảnh khốn đốn, lắc léo, không biết phải xử trí ra sao để vẹn toàn.


Vậy trong thời kỳ khó khăn, khốn đốn như vậy, chúng ta nên làm gì mới thuận với Đạo đây?


Mời bạn cùng đến với lời khuyên của Thánh Nhân qua ý nghĩa của 6 hào quẻ này!





Sơ Cửu, bàn hoàn, lỵ cư trinh, lỵ kiến hầu.


Bàn hoàn, tức là còn ở hoàn cảnh khó xử, gian truân, dùng dằng khó tiến.


Lỵ cư trinh, tức là giữ cho mình đạo đức, trung chính thật vững, giữ vững lý tưởng ban đầu của bản thân.


Lỵ kiến hầu, tức là gặp gỡ người tài giỏi, tìm người tài để mời họ làm việc lớn.


Ý thánh nhân ở hào này có hai nghĩa:


Một là: lời khuyên dành cho người tài đức, tuy đang ở trong thời buổi gian truân khốn khó, nhưng cũng chớ nên vì thế mà nản chí sờn lòng, phải cố gắng bền chí kiên gan phấn đấu, tu dưỡng lấy đạo đức, tài học của mình. Ở trong thời đại gian nan, khó khăn như vậy, mà mình là người có tài cao, đức lớn, thì làm sao thiên hạ có thể để cho tài năng của mình chết mòn được, ắt sẽ có bậc đại nhân biết nhìn người tìm đến mình để mời ra mưu đại sự.


Như ngày xưa Khổng Minh - Da Cát Lượng, dù bản thân tu đạo nơi thâm sơn cùng cốc, vẫn chưa đi đầu quân cho phe phái nào, nhưng danh tiếng đã đồn xa, làm cho Lưu Bị phải ba lần đến nhà, ngồi ê cả mông, mòn cả ghế để mời Khổng Mình về làm quân sư.


Như Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, cuối đời đã về chốn thôn dã dạy học, không còn xen vào chuyện thế sự, nhưng vẫn có biết bao kẻ sĩ đến cầu cạnh xin lấy lời khuyên của ông.


Lại như Binh Tiên - Hàn Tín, biết bao lần không được trọng dụng, cuối cùng đến nỗi thất chí mà rời bỏ quân doanh, nhưng tài năng kiệt xuất của ông đã được Tiêu Hà nhìn thấy, Tiêu Hà chạy suốt một đêm để tìm cho bằng được Hàn Tín, trở về Hàn Tín được Lưu Bang phong thẳng từ tên lính tầm thường lên thành Thống Soái, một bước lên mây.


Từ đó mà ta thấy được, trời sinh ra người tài, ắt sẽ đến lúc được dụng. Chớ nên vì thời thế nhiễu nhương, khốn nạn mà thất chí, phải kiên tâm với chí lớn của mình, bền bỉ tu tâm dưỡng tính, rèn luyện tài nghệ cho thật tinh thâm, rồi sẽ đến lúc có người tìm đến để mời mình ra làm đại sự. Thời đại gian truân, nhân tài quý hơn châu ngọc, há gì không có người làm việc lớn vẫn đang luôn khao khát tìm kiếm nhân tài để cùng mưu sự hay sao.


Hai là: lời khuyên dành cho người minh chủ, người làm lãnh đạo. Trong thời buổi truân chuyên, khốn khó, gian nan, tuy biết mình là người có chân tài, thực lực, nhưng chuyện đại sự trong thiên hạ há có thể một người mà thành, huống chi hoàn cảnh hiện tại đang là thời khó khăn. Bản thân mình là người tài đức, lại không cao cao tại thượng, mà biết nhúng nhường hạ mình xuống ngang hàng, hòa đồng với người tài đức kém cỏi hơn mình, lấy đức phục người, chiêu hiền đãi sĩ, chinh phục được lòng của dân chúng, trọng dụng hiền tài. Tài đức được như thế, ắt quần chúng nhân dân, hiền tài trong thiên hạ phải kính phục, hân hoan vui vẻ mà theo mình, giúp sức cho mình làm việc.


Như Lưu Bị, tài năng văn võ không bằng Tôn Quyền, thế lực không mạnh như Tào Tháo, vậy mà cuối cùng trở thành một trong ba thế lực chia ba thiên hạ thời tam quốc. Duy cũng vì ở cái tài thu phục lòng người, lấy đức dụng nhân.



Lục nhị, truân như, chiên như, thừng mã ban như, phỉ khấu hôn cấu, nữ tử trinh bất tự. Thập niên nãi tự.


Truân, có nghĩa là thuở mới ban đầu, cũng có nghĩa là gian truân.


Chiên, nghĩa là quanh quẩn.


Ban, nghĩa là dùng dằng.


Phỉ khấu, nghĩa là chẳng phải phường giặc hay trộm cướp.


Hôn cấu, nghĩa là cầu hôn.


Tự, nghĩa là con gái gả lấy chồng.


Thập niên nãi tự, nghĩa là bất quá cũng mười năm sẽ được gả lấy chồng.


Để hiểu được tường tận nghĩa hào này, trước tiên ta phải hiểu được cái nghĩa ban sơ của nó, tức là nghĩa đen của hào từ hào này.


Hào này tượng như một người cưỡi ngựa mà lâm phải chốn đầm lầy hung hiểm, khốn đốn, dùng dằng luẩn quẩn mãi không dám tiến lên. Lại tượng như một cô gái trung trinh tiết hạnh, được người đến cầu hôn mình, mà mình đã từ chối rồi nhưng cứ mặt dày cầu hôn hoài, mắc mệt luôn!, khiến cho mình lâm vào cảnh khó xử, tuy người này chẳng phải phường xấu xa gì nhưng tài đức vẫn là không xứng với mình. Vì thế mà cô gái quyết từ chối, không chịu gả cho người đó, tiếp tục thà ế để đợi người tử tế mới yêu. Một lòng kiên định như vậy, bất quá dù có lâu chăng nữa cũng 10 năm mà thôi, rồi người xứng đáng với mình sẽ tìm tới.


Hào này là lời khuyên của thánh nhân về việc kết giao. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.


Nếu bản thân mình thật sự là một người có tài đức, thì phải bền chí kiên gan chờ đợi, tìm kiếm cho bằng được bậc minh quân để phò tá, chờ đợi, tìm kiếm cho kỳ được những bậc quân tử - tài đức để kết giao làm bằng hữu. Chớ nên bị dụ dỗ, kết giao với những kẻ tiểu nhân, vội vàng đầu quân cho người chủ bất tài - kém đức, có câu "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Ngạn ngữ Anh lại có câu thế này: Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào. Kết giao, làm việc với những người tài đức, bản thân mình như bước vào một vườn hoa thơm, khi đi ra khỏi vườn hoa thì trên người hương thơm vẫn còn vương vấn lại. Kết giao, làm việc với những người xấu xa bần tiện, bản thân mình như nhảy xuống cống nước thải, tắm rửa sạch sẽ rồi nhưng trên người vẫn còn mùi hôi thối. Chớ nên vì một phút giây cô đơn, yếu lòng mà xa vào vòng tay kẻ lạ, phải bền chí kiên gan chờ người chính đáng với mình xuất hiện, không nên nhẹ dạ sờn lòng mà lâm vào cảnh thất tiết. Có thể thời gian chờ đợi sẽ lâu, nhưng cùng cực tất thông, rồi nhất định người cần xuất hiện sẽ xuất hiện.


Như đức Lê Lợi dấy nghĩa mười mấy năm trời, ngày ngày mong mỏi nhân tài, dẫu bậc kỳ tài ấy là Nguyễn Trãi vẫn còn lạc đường đâu đó ngoài kia chưa xuất hiện, nhưng không vì thế mà vua sờn chí nản lòng với chuyện phục quốc. Cuối cùng thì bậc kỳ tài ấy là Nguyễn Trãi cũng xuất hiện, cùng mưu đại sự, lấy lại giang sơn, để cho đến tận ngày nay chúng ta còn nói với nhau bằng tiếng Việt. Nếu như ngày đó đức Lê Lợi yếu lòng, nghe lời dụ dỗ chiêu hàng của giặc, liệu hôm nay chúng ta còn một dải non sông gấm vóc thế này hay không?



Lục tam, tức lộc, vô ngu, duy nhập vu lâm trung, quân tử ky, bất như xá, vảng, lẫn.


Tức lộc, tức là đi săn hươu.


Vô ngu, tức là không có người dẫn đường.


Duy nhập vu lâm trung, tức là chỉ có lạc vào giữa rừng lớn mà thôi.


Quân tử ky, tức là nếu là bậc quân tử ắt sẽ biết nhìn thời thế, chẳng làm chuyện ngu xuẩn như vậy.


Bất như xá, nghĩa là bất chấp mà chạy càn hoài.


Vảng, lẫn, nghĩa là đáng xấu hổ.


Nghĩa ban sơ của hào này là: Hào này tượng trưng cho một kẻ tài hèn sức mọn, đạo đức kém cỏi, đã vậy còn không có ai dắt dìu chỉ dẫn, mà bản tính vừa ngu vừa tham nên lại thích làm càn. Giống như một đứa tham ăn, thèm thịt hươu thì liền chạy vào rừng để săn hươu, mà bản thân thì không có kinh nghiệm săn bắn, cũng chẳng rành việc đi rừng, đã thế lại không có thợ săn dẫn đường, kết cục ắt phải bị lạc lối, cô đơn, chơi vơi nơi rừng sâu vực thẳm mà thôi. Nếu như một người quân tử có tài có đức mà ở trong hoàn cảnh như vậy thì ắt họ sẽ biết nhìn thời thế, tuy mình thèm thịt hươu nhưng biết bản thân không có kinh nghiệm đi rừng, biết không có ai dẫn đường, thì sẽ nhẫn nhịn mặc kệ cơn thèm, chẳng có gì bằng bình an, chớ chạy càn làm gì mà chuốc họa. Nếu như cứ chạy càn hoài, thì sẽ vô cùng mất mặt, xấu hổ, chuốc lấy nhục nhã, tai họa mà thôi.


Hào này chính là lời dạy của thánh nhân dành cho loại người tài hèn sức mọn, học thức non kém. Bản thân đã bất tài mà lại không có ai chỉ dẫn, thì chớ nên tham lam, lộng quyền, chớ nên khua môi múa mép, làm màu, ra vẻ, tỏ ra mình tài ba. Chỉ tổ chuốc lấy thất bại, nhục nhã, làm trò cười cho thiên hạ. Bản thân nên ý thức được tài năng của mình đến đâu, đã biết mình tài không đủ, đức hạnh không cao, thì phàm làm việc gì cũng nên tìm đến người thầy giỏi, bạn tốt mà hỏi xin ý kiến, nhờ họ chỉ dẫn dìu dắt, có như vậy mới mong tránh được khỏi cảnh nhục nhã, xấu hổ. Nếu không, cũng chỉ có mình tự thấy mình hay, thiên hạ nhìn vào thấy mình chẳng khác nào con khỉ trong sở thú. Phải học lấy đức của người quân tử, biết mình tài không đủ, thì nên giữ mình, được bình an đã là rất tốt, chớ có quá tham lam.



Lục tứ, thừa mã ban như, cầu hôn cấu, vãng cát, vô bất lỵ.


Thừa mã ban như, tức là cưỡi ngựa dùng dằng chẳng dám tiến tới.


Cầu hôn cấu, tức là tìm cho được một mối hôn sự tốt đẹp.


Vãng cát, tức là hoàn thành công việc tốt đẹp.


Vô bất lỵ, tức là được như ý, toại nguyện.


Hào này chính là để chỉ cho hạng người giữ địa vị cao nhưng bất tài, người này khác với người ở hào lục tam ở chỗ, hào lục tứ tuy bất tài nhưng lại có đạo đức tốt, là kiểu người có đức nhưng thiếu tài năng. Người như vậy mà lại ở trong thời đại khó khăn, gian truân, ắt cũng giống như một người cưỡi ngựa mà cứ dùng dằng mãi chẳng dám tiến lên, vì biết tài năng mình không đủ nên lo sợ chẳng dám tiến. Nhưng vì là một người có tu dưỡng, có phẩm hạnh nên biết cầu hiền tài, cố gắng để tìm ra những người giỏi, có tài đức để cùng mình làm việc. Người tuy bất tài nhưng biết cầu cạnh với người giỏi như thế, ắt cũng tạo được phúc cho thiên hạ. Cũng như không cưỡi ngựa giỏi nhưng biết tìm người dắt ngựa cho mình thì vẫn có thể tiến về phía trước.


Lời khuyên của thánh nhân dành cho những người tuy bất tài nhưng lại giữ vị trí cao, trong lòng lại nuôi chí lớn vì dân vì nước, nhưng tự biết mình không đủ tài kinh bang tế thế, chính là phải cố gắng tìm cho bằng được người tài để làm việc với mình, phải biết trọng dụng hiền tài, lấy tài năng của người khác để bù đắp vào thiếu sót của mình. Làm được như thế, quả là trí tuệ của bậc đạo đức sâu dày, ắt cũng sẽ tạo được phúc cho thiên hạ.



Cửu ngũ, truân kỳ cao, tiểu trinh, cát; đại trinh, hung.


Truân kỳ cao, nghĩa là bôi keo lên mỡ, một chuyện rất khó làm.


Tiểu trinh, cát, nghĩa là làm việc nhỏ thì tốt đẹp.


Đại trinh, hung, nghĩa là làm việc lớn thì nguy hiểm.


Hào này chính là đại diện cho những người ở trong tình cảnh có vị trí tột bực cao, nhưng lại không nắm thực quyền. Tuy bản thân vẫn là người tài đức, nhưng vì quyền lực không nằm trong tay, chỉ có hư danh, vì thế dù muốn làm chuyện gì, ban bố điều chi đều rất khó khăn, giống như lấy keo mà dán vào mỡ vậy, làm sao mà dính được đây.


Biết được người ở trong hoàn cảnh này, bản thân đã có tài đức, mà vị trí lại tột bực cao, ắt mong muốn làm được gì đó cho thiên hạ, để không uổng phí tài năng. Nên thánh nhân khuyên rằng, nếu muốn làm nên chuyện gì đó, hãy chấp nhận ủy khuất mà làm từ việc nhỏ, có như vậy mới được an lành, đó là tiểu trinh, cát. Nếu như không nhẫn nhục nổi mà muốn làm những chuyện thật lớn lao, e là phải chuốc họa vào thân, phe phái của những kẻ nắm thực quyền sẽ nhăm nhe mà thanh toán, hãm hại mình, đó chính là đại trinh, hung.


Như trường hợp trong thời vua Lê, chúa Trịnh của nước ta: Vua ở ngôi chí tôn, nhưng Chúa mới nắm thực quyền. Vua Cảnh Hưng vẫn là một ông vua có tài đức, nhưng quần thần, thủ túc, không ai là kẻ có tài. Chính vì thế mà ông phải ẩn nhẫn, ngồi lặng suốt hơn 40 năm. Tuy không được thành tựu gì to lớn, nhưng giữ được tánh mạng còn bình an.


Vua Lê Cảnh Hưng biết chịu đựng, có thể ngồi lặng ở ngôi 46 năm. Đó là Tiểu trinh cát. Đến đời vua Lê Chiêu Thống vì muốn thanh toán họ Trịnh và nhà Nguyễn Tây Sơn, nên đã mang hận bỏ xác nơi đất khách, nước mất nhà tan. Đó là Đại trinh hung. Tấm gương lịch sử còn đó, ta cứ trông vào mà suy ngẫm.



Thượng Lục, thừng mã ban như, khấp huyết liên như.


Thừng mã ban như, tức là cưỡi ngựa dùng dằng chẳng thể tiến tới.


Khấp huyết liên như, tức là khóc ra máu.


Hào này chính là để chỉ cho hạng người đứng ở địa vị rất cao nhưng bản thân đã bất tài, không có ai giúp đỡ, lại còn ở vào thời kỳ - giai đoạn khốn đốn - khó khăn nhất. Người đã bất tài lại còn ở vào vị trí như thế, thì có thể làm được gì đây, ngoài việc đau khổ đến mức khóc ra máu.


Lời khuyên của thánh nhân ở hào này chính là, bản thân mình đã bất tài, lại không có ai trợ giúp, mà thời đại hiện tại là vô cùng nguy hiểm khó khăn, thì chớ nên tham lam mà làm việc lớn, nhận lãnh lấy trọng trách cao. Làm như thế chỉ có chuốc lấy họa vào thân. Thà bình bình thường thường làm một người tầm thường, vậy mà lại khỏi phải chuốc lấy tai họa.


Như tấm gương của Hồ Quý Ly khi xưa, bản thân đã không có tài kinh bang tế thế, lòng dân lại không theo, phía bắc thì quân Minh đang mạnh, thời đại lúc này hiểm nguy biết nhường nào, vậy mà lại tham lam cướp ngôi làm vua. Kết cục để cho đất nước rơi vào tay giặc, bản thân phải lưu đày nơi đất người, để lại tiếng nhơ muôn đời, sử sách còn ghi.


Suy ngẫm hào này, lại nhớ đến câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:


"Cây cao thì gió càng lay

càng cao danh vọng, càng dày gian truân"


Cái gian truân đó, một kẻ bất tài há nào có khả năng mà gánh vác cho được.



Tổng luận


Xuyên suốt 6 hào của quẻ này, chúng ta có thể thấy được Thánh Nhân đã nêu ra những lý do lớn nhất khiến cho con người ta khổ tâm, có thể rơi vào cảnh nguy hiểm trong buổi gian truân.


Một là: bản thân có chân tài thực lực, nhưng lại chưa tìm thấy cơ hội thi triển tài năng. Như một con cá lớn bị giam mình trong sông nhỏ, như con chim lớn bị nhốt trong lồng chẳng thể tung cánh bay, quả thực đau khổ biết nhường nào.


Hai là: vì biết mình có chân tài thực lực, mà rất nhiều phường tiểu nhân đến để mời gọi, còn bậc minh chủ thì vẫn chưa thấy đâu, nếu chờ minh chủ thì liệu đến bao giờ mới xuất hiện, nếu nhắm mắt mà theo bọn tiểu nhân thì mình có khác gì bọn nó đâu.


Ba là: kẻ không có tài đức, nhưng lại tham danh, hám lợi, thích thể hiện, làm sao mà tránh khỏi cảnh nhục nhã ê chề.


Bốn là: bản thân ở vị trí cao, nhưng tự biết mình bất tài, tuy mình là kẻ có đức nhưng tài không đủ, lòng lại ôm chí lớn, biết phải làm sao đây.


Năm là: dù bản thân đủ tài đủ đức, vị trí lại đủ cao, thế mà lại không nắm được thực quyền, tình cảnh như vậy có khác gì một người bình thường tỉnh táo nhưng lại liệt hết thân thể, hoàn toàn bất lực, thật oan trái làm sao.


Sáu là: ở vào thời buổi nguy khốn, suy tàn đã đến cực điểm, mà người lãnh đạo lại là một kẻ không có tài đức, vậy thì còn biết hy vọng gì nữa, chỉ có thể ngồi mà đợi nhìn cảnh bại vong thôi.


Ta thấy được rằng, phàm chuyện trong thiên hạ, muốn thành công thì không thể thiếu 2 yếu tố:


Thứ nhất là Thiên Thời.

Thứ hai là Nhân Lực.


Làm chuyện gì, khởi sự gì, đều phải nhìn cho thật rõ, tính toán cho kỹ càng, thời điểm có phù hợp hay không, đã đến lúc để thực hiện hay chưa. Thời cơ chưa đến mà vẫn cố cắm đầu bất chấp làm, chẳng khác nào một kẻ cầm đuốc chạy trong mưa, cho dù có sức chạy cũng khó có thể đem lửa về đến đích. Dù người có tài mà thời chưa đúng, cũng khó mà thành đại sự.


Thời đã đến rồi, mà bản thân lại bất tài, cũng giống một người đang đói mà được người ta tặng cho cái cần câu, nhưng bản thân lại chẳng biết cách câu, cơ hội ở trong tay nhưng cũng chẳng thể làm gì.


Thế mới thấy, có nhân lực mà không đúng thời, thì thật khó mà làm nên chuyện. Có thời mà lại không có ai làm, thì cũng vô nghĩa.


Cho nên, nếu tài sức đã có rồi thì phải biết nhìn thời thế, lúc nào nên làm, lúc nào nên chờ đợi, chớ có dục tốc mà bất đạt. Nếu thấy thời đã đến rồi, mà sức một mình thì không thể làm nên chuyện, lúc này cần phải tìm cho bằng được nhân lực đủ tài sức mà cùng mình khởi sự.


Còn đối với thời kỳ nguy khốn, nhân lực lại không có, vậy thôi! đừng tham lam làm gì, giữ cho mình một chữ An mới là sáng suốt nhất.


Hàn Tín thà chịu nhục chui háng, Việt Vương Câu Tiễn nuốt nhục nếm phân vua Ngô Phù Sai, những tấm gương nhịn nhục chờ thời của các bậc kỳ tài thiên hạ vẫn còn đó, nếu ta là một bậc quân tử, cớ gì không trông vào để làm gương.


Chỉ cần người có chí lớn, trời xanh ở đó, há nào không có lúc ta được tung cánh bay.


_Đoạn Hồng Trần_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad