Hào sơ cửu này tượng trưng cho người có thiên phú tài giỏi, có lý tưởng rất tốt đẹp, cao thượng, tham vọng rất lớn lao. Nhưng tài năng vẫn còn chưa được tu dưỡng, chưa trui rèn đủ sâu dày. Cần phải tiếp tục học tập trau dồi thêm cho tài nghệ vững vàng. Cái tài chưa đủ cao, chưa đủ vững vàng thì chớ nên vội vàng thi triển tài năng. Dù cho lý tưởng có tốt đẹp, đúng đắn, nhưng tài năng chưa đủ mà vội vàng ra gánh vác việc đời, thì dễ rơi vào cảnh lực bất tòng tâm, chuốc lấy thất bại. Ông bà mình hay nói là "xôi hỏng bỏng không" cũng chính là ý tứ tương tự như vậy.
Đối với việc dụng người cũng thế, phàm thấy người có tài, có tố chất tốt đẹp, nhưng kinh nghiệm còn chưa đủ, tài học còn chưa vững vàng, thì cũng chớ nên vội vàng đem ra sử dụng, thay vào đó nên bồi dưỡng vun đắp cho họ, chờ đến khi đúng lúc đúng thời điểm hẵng dụng vẫn chưa muộn. Dụng người như thế mới là cách dụng người của bậc lãnh đạo tài trí. Giống như trồng một ruộng lúa, vẫn biết lúa sẽ cho ra gạo làm lương thực, nhưng không phải vì thế mà lúa vừa nảy mầm là đã kéo nhau ra gặt, lúc này bông lúa còn chưa trổ, hạt lúa còn chưa đơm, thì có gì mà thu hoạch, phải đợi đến khi lúa chín vàng trĩu hạt mới là lúc gặt hái. Phàm người chưa đủ tài đức mà vội vàng đem ra sử dụng, khó tránh khỏi việc lâm vào cảnh rối rắm, thất bại, người đó cũng khó tránh khỏi việc lâm vào cảnh tự kiêu, tự đắc, lạm quyền. Dụng người thư thế cũng giống như gặt lúa lúc nó còn là cây mạ, giống như hái trái dưa hấu còn non mà ăn, nhạt nhẽo vô vị, chẳng có giá trị gì.
Trong dịch học còn có một chữ rất quan trọng là chữ "thì", thì cũng chính là "thời".
Tiềm long vật dụng cũng có nghĩa là dù cho bản thân mình tài đã cao, học đã rộng, bản lĩnh đã sâu dày, nhưng thời cơ vẫn chưa tới thì vẫn nên ẩn mình, chớ vội vàng thi triển tài năng cho thiên hạ thấy. Như đại bàng có là chúa tể bầu trời, thì khi hạ cánh xuống đất cũng phải gọi mấy con gà chọi là đại ca, sư tử có là vua vùng thảo nguyên thì khi xuống nước cũng không phải là đối thủ của hà mã. Mùa mưa to gió lớn, thì dù sống gần biển cũng không thể đem nước biển phơi thành muối, mùa nắng đem áo mưa ra bán thì cũng chẳng có ai mua. Chữ thời cũng chính là đơn giản như vậy, chờ đến lúc phù hợp thì làm, lúc chưa thích hợp thì chưa nên làm.
Đối với người trẻ tuổi, đặc biệt nhất là ở cái độ tuổi đôi mươi, khi mà con người ta còn nung nấu biết bao nhiêu lý tưởng, khát khao được bùng cháy rực rỡ, thì đây cũng là lúc mà rất nhiều người vội vàng đem hết tài năng ra thi triển, bất chấp thời thế có phù hợp hay không, bất chấp năng lực hiện tại đã đủ để thực hiện lý tưởng của bản thân hay chưa.Chính sự máu lửa và háo thắng của tuổi trẻ làm cho rất nhiều người thất bại ở giai đoạn này, và không phải sự thất bại nào cũng có thể sửa chửa, không phải thất bại nào cũng có thể vực dậy. Đôi khi "chậm mà chắc", "dục tốc bất đạt".
Cửu nhị, hiện long tại điền, lỵ kiến đại nhân.
Hiện long tại điền, tức là con rồng lúc này đã hiện thân, thi triển tài năng.
Lỵ kiến đại nhân, tức là để cho thiên hạ nhìn thấy mình, mình chính là một vị đại nhân. Cũng có nghĩa là gặp gỡ, giao du, kết hợp với những con người tài giỏi chính trực khác để làm nên việc lớn, có nghĩa là mình đi tìm gặp một vị đại nhân để cùng mưu việc lớn. Về cơ bản Lỵ kiến đại nhân có nghĩa là gặp gỡ 1 nhân vật lớn.
Hào cửu nhị này chính là ứng với những người của hào sơ cửu sau khi tài năng, đức độ đã chín mùi, thời cơ thi triển tài nghệ đã đến. Đã đến lúc thi triển tài năng của mình, bước ra gánh vác việc đời.
Để cho thiên hạ được nhìn thấy mình mà biết rằng có một bậc đại tài xứng đáng để họ tin cậy trông mong vào.
Nhưng phàm là những việc to tác lớn lao trong thiên hạ, chẳng thể làm được một mình, mà phải cùng phối hợp với người khác, với đội ngũ, mới có thể thành công.
Chính vì vậy cần phải "lỵ kiến đại nhân".
Lúc này cần phải đi tìm những người có cùng lý tưởng, tài năng cao đẹp để phối hợp với nhau làm đại sự. Mà bản thân mình là hào cửu nhị, tuy tài đức đã đủ, nhưng cũng chỉ vừa mới hiện thân, vừa mới xuất thế, vừa mới bắt đầu làm đại sự. Người biết tới mình vẫn chưa có nhiều, người tin phục vào tài năng của mình cũng chưa nhiều, căn cơ về tài lực lẫn nhân lực vẫn còn chưa vững mạnh, uy tín còn chưa cao.
Hào cửu nhị của quẻ này chính ứng với hào cửu ngũ, hào cửu ngũ tượng trưng cho một bậc chí tôn minh chủ, tài đức vẹn toàn, người người kính phục, tài năng đủ sâu dày mà uy tín thì vững mạnh.
Lời thánh nhân khuyên răn cho hào cửu nhị là "lỵ kiến đại nhân", chính là khuyên người ở trong hoàn cảnh mới bắt đầu khởi sự, vẫn còn trong thời buổi khởi nghiệp, hãy đi tìm đến người có tài đức cao hơn mình, uy tín lớn hơn mình, để cùng mưu sự gánh vác việc đời. Tuy vị trí mình thấp hơn nhưng vẫn không có gì đáng để tự ái, vì bản thân mình là một người tài đức, mà cửu ngũ cũng là một bậc còn tài đức hơn mình, cùng mưu sự với một bậc đại nhân như vậy, ắt việc lớn sẽ hanh thông, mà thiên hạ trông vào cũng nhìn thấy hai bậc tài đức cùng làm việc lớn, ắt họ cũng vô cùng vui mừng.
Cửu tam, quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược, lệ, vô cựu.
Kiền kiền, tức là hăng hái tự cường.
Dịch nhược, tức là dường như có điều gì đó lo sợ.
Lệ, tức là như lúc ban đầu, như cái bản nguyên, cũng có nghĩa là có gì đó nguy hiểm.
Vô cựu, tức là không tội lỗi.
Hoàn cảnh của hào cửu tam chính là chỉ những người ở tầng lớp trung lưu, những người ở vị trí không cao không thấp, ví như trong một công ty thì là người quản lý cấp thấp như tổ tưởng, trưởng phòng. Bên trên họ thì có các cấp cao hơn nhìn vào thành tích của mình mà phán xét, trách móc, bên dưới mình thì có các nhân viên trông cậy mình chỉ dẫn, giúp đỡ, mà tất cả việc lớn nhỏ gần như đều dính líu đến bản thân mình.
Mà hào cửu tam này vẫn là một bậc quân tử, ở vào vị thế như vậy quả thực rất khó xử, cái gì cũng thuận tòng theo cấp trên thì khó tránh khỏi làm người dưới vất vả khó nhọc, mà chính mình dần dà cũng đánh mất lý tưởng, thành một kẻ nịnh bợ a dua, cái gì cũng thuận theo người dưới mà nuông chiều thì khó tránh khỏi không hoàn thành tốt được công việc, làm cho người dưới hư hỏng, người trên trách phạt.
Người ở vào vị thế như vậy không khác gì sợi dây bị kéo bởi 2 đầu, rất căng thẳng.
Nếu như tài năng không đủ mà ở vào hoàn cảnh như vậy, không sớm thì muộn ắt phải lâm vào cảnh khốn đốn, nếu không thì cũng lầm đường lạc lối, tiến chẳng được, lùi cũng không xong. Rơi vào cảnh lưng chừng, ngập ngừng như một người leo núi đã leo tới giữa dốc núi nhưng lại kiệt sức, leo lên cũng không nổi mà leo xuống cũng lực bất tòng tâm, tình thế vô cùng nguy hiểm.
Chính vì vậy lời thánh nhân khuyên cho người quân tử ở vào hoàn cảnh của hào cửu tam quẻ bát thuần càn này: Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược, lệ, vô cựu.
Tức là người quân tử ở trong hoàn cảnh này muốn giữ cho bản thân mình không tội lỗi, lầm lạc, thì phải không ngừng tự nhắc nhở bản thân tu tâm dưỡng tánh, không ngừng lo sợ chính mình lầm đường lạc lối. Chung nhật kiền kiền, tức là cả ngày đều phải luôn nhắc nhở bản thân "cẩn thận nha mày, coi chừng đi lầm đường lạc lối nha mày", ngày nào cũng như vậy, liên tục liên tục. Dịch nhược không phải là cái run sợ của tiểu nhân, của kẻ hèn hạ yếu đuối, mà là cái lo sợ của bậc quân tử lo chính mình lầm đường lạc lối, lo sợ chính mình phạm phải những điều tội lỗi, bất chính. Chính vì luôn không ngừng tự nhắc nhở bản thân, không ngừng trau dồi, không ngừng tu luyện, và lo sợ chính mình sai lầm thì mới được vô cựu, không tội lỗi gì.
Tại sao nhất định phải lo sợ, vì con người ta chính vì lo sợ mới không dám làm, còn chuyện đã không sợ rồi, thì có gì mà không dám làm cơ chứ!
Quả thực người ở vào địa vị của hào cửu tam, giữ cho mình không tội lỗi đã là rất tốt đẹp, rất tài giỏi rồi, xứng đáng là bậc quân tử có tài có đức. Khi này thời cơ còn chưa tới, cơ hội vẫn còn xa, chớ nên tham lam mà gây ra tội lỗi. Phải luôn tu dưỡng lấy mình, tự trau dồi bản lĩnh cho thật lớn, đợi tới khi cơ hội xuất hiện thì cũng hay tài vừa đủ mà nắm bắt lấy.
Cửu tứ, hoặc dược tại uyên, vô cựu.
Hoặc dược tại uyên, tức là có thể nhảy qua được vực sâu.
Hoặc, là có thể.
Dược, là nhảy.
Tại uyên, là ở tại vực sâu.
Hào cửu tứ này và hào cửu tam thật sự cũng chính là cùng một người, chỉ khác là hào cửu tam ở giai đoạn chẳng thể tiến cũng không thể lùi, chỉ có thể cố gắng giữ mình thanh sạch, không tội lỗi. Qua đến hào cửu tứ, hoàn cảnh tuy vẫn khó xử như thế, nhưng đã có cơ hội để tiến để lùi. Nhưng người ở trong hoàn cảnh này cũng chớ nên vọng động vội vàng, khi nào thấy thời nên tiến thì hẵng tiến, nên lùi thì phải lùi. Nếu thấy cơ hội tiến rõ ràng thì nắm bắt để tiến ngay, còn nếu thấy thời cơ chưa đến thì nên bình tĩnh chờ thời.
Hào này ví như 1 con rồng, đang mấp mé chờ thời để nhảy qua vực sâu vậy, bởi vì tài phép còn chưa đủ, chưa thể bay lượn tự do, nên phải biết lựa thời đề nhảy qua chốn vực sâu hung hiểm, nếu canh đúng lúc thì hoàn toàn có thể nhảy qua được.
Vậy làm sao để biết khi nào thì nên tiến, khi nào nên lùi?
Khi nào thấy cơ hội thăng tiến đến, mà nhìn lại mình thấy đã đủ tài năng để gánh vác lấy vị trí đó, thì chính là thời nên tiến, mạnh dạn tiến ngay.
Khi nào thấy cơ hội thăng tiến đến, mà nhìn lại mình thấy chưa đủ tài gánh vác, vẫn còn thiếu năng lực, thời chưa nên nhận lấy trách nhiệm.
Khi nào thấy vị trí hiện tại của mình có sự thay đổi về tính chất công việc, nhưng mình không theo kịp sự thay đổi đó, lúc này nên lùi, hãy lùi. Nếu thấy mình tài vẫn đủ đảm nhiệm vị trí hiện tại, thời không cần phải lùi.
Tùy thời, thực cũng chính là đơn giản như vậy.
Cửu ngũ, phi long tại thiên, lỵ kiến đại nhân.
Phi long tại thiên, nghĩa là con rồng bay lượn ở trên trời.
Địa vị của hào cửu ngũ tượng trưng cho một bậc thánh nhân tài cao đức dày, tất cả tài năng, địa vị đều đã thành tựu.
Tuy nhiên chuyện lớn trong thiên hạ vẫn không thể một người mà làm nổi. Vì thế phải tìm đến những bậc nhân tài đức độ để mời họ giúp đỡ cho mình.
Bản thân mình ở vị trí cao là một bậc tài đức, nhưng cũng phải biết trọng dụng những bậc hiền tài, thánh nhân trên phải có thánh nhân dưới cùng giúp đỡ nhau mới có thể thành đại sự, đó chính là ý của thánh nhân.
Ý thánh nhân khuyên cũng rất rõ ràng, lỵ kiến đại nhân, tức là tìm người làm việc cho mình cũng phải tìm người tài đức, chứ không phải hạng người nào cũng có thể trọng dụng. Người làm chủ thì vai trò rất quan trọng, nhưng người làm công cũng rất quan trọng, tìm được người tài để sử dụng thì cũng như mái nhà có được những kèo cột tốt chống đỡ, tìm về những kẻ không ra gì mà cũng đem ra sử dụng thì chẳng khác gì đem gỗ mục làm cột nhà, sớm muộn cũng phải sụp đổ.
Thượng cửu, kháng long, hữu hối.
Kháng long, là con rồng đã lên tới vị thế cao cực.
Hữu hối, là ắt sẽ phải có điều hối hận.
Phàm cái gì cương cực thì thiếu nhu hòa, cao cực thì khó xuống thấp, cứng quá thì giòn dễ gãy, đầy quá thì dễ tràn.
Hào thượng cửu này chính là để chỉ cho người đã ở vị trí tột bực cao, quyền lực, địa vị đã cực kỳ lớn. Khi này nếu không biết suy xét kỹ lưỡng, tự mình tu tâm dưỡng tánh luôn luôn, thì khó tránh khỏi họa vì quyền lực, địa vị tột bực cao mà lâm vào hoàn cảnh cao ngạo, tự phụ, lạm quyền và lộng quyền. Khi này ắt khó mà tránh khỏi xảy ra chuyện khiến mình hối hận.
Thâm ý của thánh nhân quả thực quá sâu xa mà tinh diệu, muốn răn dạy cho bậc quân tử trong thiên hạ rằng, một khi bản thân đã thành tựu, đã đạt được vị thế cao tột bực, ắt sẽ dễ vì quyền lực địa vị đó mà khiến mình biến chất, lầm đường lạc lối. Phải luôn tự mình tu dưỡng dù trong hoàn cảnh nào, tự răn đe chính mình như hào cửu tam của quẻ này "quân tử chung nhật kiền kiền". Chớ để mình lâm vào cảnh "giàu đổi vợ, sang đổi bạn", từ quân tử mà biến ra thành tiểu nhân.
Tổng luận
Xuyên suốt 6 hào của của quẻ này cũng chính là lời khuyên của thánh nhân dành cho những bậc đại tài muốn mưu đại sự.
Bắt đầu từ hào sơ cửu, khi người vẫn còn trẻ, tuy tài năng thiên bẩm đã có, lý tưởng đã cao, nhưng tài năng lúc này vẫn chưa trau dồi đủ, kinh nghiệm còn non yếu, vẫn chưa đủ sức gánh vác lấy việc đời. Nên cần phải ẩn mình để trau dồi cho bản thân, đợi khi tài năng đã đủ, kinh nghiệm đã có thì mới nên thi triển tài năng. Ẩn mình không phải là không làm gì, ẩn mình tức là chưa nên vội vã làm những chuyện lớn lao vượt quá khả năng hiện tại.
Đến hào cửu nhị, khi tài năng đã chín mùi, lúc này đã đến lúc thi triển tài năng, gánh vác việc đời, bắt đầu thực hiện lý tưởng của mình. Nhưng khi này tài lực, nhân lực, uy tín vẫn còn chưa nhiều, thay vì đứng ra làm chủ, làm ra chuyện kinh thiên động địa, thì thánh nhân khuyên nên tìm người giỏi hơn mình, tài lực, nhân lực, uy tín cao hơn mình để cùng gia nhập với họ, mượn thế của người để thi triển tài năng, học hỏi lấy cái tài của họ. Vì núi cao còn có núi cao hơn, người giỏi còn có người giỏi hơn.
Đến hào cửu tam, lúc này bản thân đã có chỗ đứng, địa vị nhất định, nhưng địa vị vẫn chưa thực sự cao, mà vị trí mình lại ở vào chỗ dở dở ương ương, rất khó xử. Lúc này làm sao cho bản thân không lầm lỗi, giữ vững được lý tưởng ban đầu đã là rất tốt đẹp.
Đợi đến hào cửu tứ, khi này cơ hội bắt đầu dần xuất hiện, tuy địa vị mình vẫn còn khó xử nhưng đã nhìn thấy cơ hội để thăng tiến cao hơn. Lúc này phải biết tinh vi, nhìn được thời thế mà nắm bắt lấy cơ hội để tiến lên một bước cao mới.
Hào cửu ngũ chính là lúc bản thân đã thành công, đạt được lý tưởng của mình. Lúc này phải biết rằng dù bản thân có tài giỏi đến đâu, thì sức một người cũng không thể làm nên việc đại sự trong thiên hạ, cần có người dưới mình hỗ trợ, giúp sức. Mà những người hỗ trợ cho mình, cũng phải chọn những bậc quân tử, liêm chính, có tài có đức, thì mới có thể tiếp tục làm cho sự nghiệp mình thăng hoa phát triển hơn nữa, tạo phúc cho thiên hạ.
Đến khi đại sự đã thành, bản thân đã ở vào địa vị cực kì cao, chính là hào thượng lục, khi này phải răn đe bản thân mà tu dưỡng, giữ cho tâm tính chân chính được như thuở ban đầu, thì mới có thể giữ được sự nghiệp lâu dài, không phạm phải điều gì hối hận. Chớ nên mờ mắt, đi sai đường vì quyền lực, danh vọng quá cao. Nếu không "vật cực tất phản", cao quá tất phải sụp đổ.
Phàm trong thiên hạ, không có bậc kỳ tài nào mà tự nhiên đã có tài kinh thiên động địa, ắt phải có lúc tiềm long vật dụng mà trau dồi bản thân, rồi phải trải qua khó khăn như hào cửu tam, cửu tứ, để rèn luyện. Mà người đã có tài của thánh nhân, tiềm long một thời gian, ắt sẽ đến lúc được phi long tại thiên, thành tựu rực rỡ. Nhưng người xem quẻ này, phải tự xét mình, có tài của thánh nhân hay không. Nếu không có tài như thánh nhân mà làm theo như thánh nhân, kiên trì bền bỉ bắt chước thánh nhân, thì đến một ngày bản thân cũng trở thành thánh nhân, trở thành thánh nhân ắt được hưởng phúc lợi của bậc thánh nhân.
Chào mừng bạn đến với trang Blog của chúng tôi. Ở đây chúng tôi chia sẻ những giá trị nhân văn, phát triển bản thân. Chúng tôi phục dựng và đăng tải các bộ sách cổ của Việt Nam. Và chúng tôi cũng sẵng sàng đăng tải bài viết của bạn, nếu bạn có sáng tác nào thú vị, muốn chia sẻ miễn phí với mọi người thì có thể liên hệ với chúng tôi. Cùng nhau hướng đến một xã hội nhân bản!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét