Post Top Ad

TẢN VĂN

HUYỀN HỌC

Phong Nguyệt Đàm

Post Top Ad

Kinh Dịch và thuật xử thế | Lời nói đầu và những khái niệm cơ bản

LOI%20NOI%20DAU




Nếu phương Tây có bộ ba kinh thánh gồm Sáng Thế Ký - Cựu Ước - Tân Ước, Trung Đông có kinh Qur'an, thì khu vực Đông Á chúng ta có Kinh Dịch gồm ba bộ Liên Sơn - Quy Tàng - Chu Dịch, trong đó hai bộ Liên Sơn và Quy Tàng đã mất tích và thất truyền từ rất lâu, có chăng chỉ còn lưu truyền trong giới Đạo Sĩ ẩn tu đắc đạo nơi thâm sơn cùng cốc, còn lưu truyền rộng rãi đến hiện tại chỉ có bộ Chu Dịch được xem như Kinh Thánh của Phương Đông.

Chu Dịch không đơn thuần chỉ là một bộ sách để bói toán, xem quẻ đoán mệnh luận thiên cơ. Bên trong bộ Chu Dịch này còn chứa cả đạo lý rộng lớn của vũ trụ, sự vận hành của trời đất và loài người, cách đối nhân xử thế, thuật nhìn người dụng người, thuật nhìn thời dụng thời. Nếu thế gian này là một phần mềm vĩ đại của tạo hóa, thì ta xem Chu Dịch như một mã Cheat Code có lẽ cũng không sai.







Về cơ bản nội dung bộ Chu Dịch được gói gọn trong hai thứ, một là nguyên lý Âm - Dương và Ngũ Hành, hai là ý nghĩa của 64 quẻ và 384 hào. Nếu Âm - Dương và Ngũ Hành thể hiện quy luật của trời đất thì 64 quẻ và 384 hào giải thích quy luật vận hành của nhân sinh, vậy là đủ Tam Tài gồm Thiên - Địa - Nhân.


Đối với Chu Dịch, mỗi một quẻ tượng trưng cho một chu kỳ.

Lớn thì là tượng trưng cho một giai đoạn của trời đất.

Nhỏ hơn thì là tượng trưng cho một giai đoạn của thế gian.

Nhỏ hơn nữa thì là tượng trưng cho một thời đại của nhân loại.

Nhỏ hơn nữa thì là tượng trưng cho một thời đại của một quốc gia, một xã hội.

Nhỏ hơn nữa thì tượng trưng cho một giai đoạn của một cộng đồng, một quần thể con người.

Nhỏ hơn nữa thì tượng trưng của một giai đoạn trong cuộc đời con người.

Nhỏ hơn nữa thì tượng trưng cho từng giai đoạn của công danh, tình cảm, lý tính và cảm tính của con người.

Và cứ thế mà ta xét cho những khía cạnh khác.


Nói chung mỗi một quẻ là tượng trưng cho một giai đoạn của một sự nào đó mà ta muốn xem xét, còn mỗi hào lại chính là mỗi một thời kỳ trong giai đoạn đó. Từ khởi sự bắt đầu là hào thứ nhất hay trong Chu Dịch gọi là hào Sơ, cho đến kết thúc là hào thứ sáu hay hào cuối cùng của quẻ mà trong Chu dịch gọi bằng hào Thượng. Thứ tự các hào được tính từ dưới cùng là hào 1 hay hào sơ, tiếp lên trên là hào 2 hay hào nhị, hào 3 hay hào tam, hào 4 hay hào tứ, hào 5 hay hào ngũ, và trên cùng là hào 6 hay hào thượng.


Mỗi quẻ gồm sáu hào, được tượng trưng bởi các vạch liền "___" hoặc các vạch đứt "_  _", vạch liền gọi là hào dương hay còn gọi là dương hào, dương hào lấy số cửu tức là số 9 là tượng trưng, vạch đứt là hào âm hay còn gọi là âm hào, âm hào lấy số lục tức số 6 làm tượng trưng. 


Trong sáu hào lại có hào thuộc số lẻ hay trong Chu Dịch còn gọi là số Cơ, số lẻ tượng trưng cho Dương gồm có hào 1-3-5, số chẵn hay trong Chu Dịch còn gọi là số ngẫu, số chẵn tượng trưng cho Âm gồm có hào 2-4-6.


Tiếp theo là nói đến sự khác biệt cơ bản của Âm và Dương trong Chu Dịch:


- Dương là tượng trưng cho: giống đực, đàn ông, giới tính nam, cương cường mạnh mẽ, tốt đẹp thiện lành, to lớn vĩ đại, chính trực, thành tín, trọn vẹn, trung thực, sự thật không giả dối, quân tử, người đức cao vọng trọng, giàu sang, phú quý...


- Âm là tượng trưng cho: giống cái, đàn bà, giới tính nữ, nhỏ bé, tà ác, giả dối, hư hao, tiểu nhân, nghèo, hèn, xấu xa...


Nói một cách đơn giản là:

- Dương tượng trưng cho cái tốt và sự cương cường cứng rắn, mạnh bạo.

- Âm tượng trưng cho cái xấu xa, nhu thuận, yếu đuối.


Tiếp theo là nói về khái niệm của chữ Trung và Chính của các hào:


- Một quẻ được hình thành từ 2 quái, 1 quái ở trên và 1 quái ở dưới, mỗi quái là 3 vạch, 2 quái kết hợp chồng lên nhau thành 6 vạch là 1 quẻ. Mỗi quái có 1 vạch ở giữa, hào nằm ở vị trí chính giữa mỗi quái thì gọi là đắc Trung, Trung ở đây vừa có nghĩa là trung tâm vừa có nghĩa là một người Quân Tử, có lý tưởng đúng đắn tốt đẹp. Như ở trên đã có nói tới, một quẻ gồm có sáu hào, số lẻ là dương, số chẵn là âm, vạch liền là dương, vạch đứt là âm, vậy hào nào vạch liền nằm ở vị trí số lẻ là hào dương nằm ở vị trí dương thì gọi là đắc chính, tương tự đối với hào âm nếu nằm ở vị trí âm thì gọi là đắc chính. Chữ chính ở đây có thể hiểu là chính xác, được đặt ở vị trí chính xác, hoặc chính đáng, người được ở vị trí chính đáng phù hợp với tài năng đức độ của mình. 


Lại tiếp tục giải thích về chữ Dịch, Dịch trong Chu Dịch về cơ bản có 3 nghĩa là: Bất dịch, giao dịnh, biến dịch.


- Bất dịch tức là y nguyên, không thay đổi, như trời thì cao, đất thì thấp, chất lỏng thì chảy, chất rắn thì cố định, đó là bất dịch.


- Giao dịch tức là giao thoa với nhau, trao đổi cho nhau, kết hợp với nhau, phối hợp với nhau, như nam nữ giao hợp với nhau thì sinh ra con cái, cây cối thụ phấn với nhau tạo ra hạt giống, điện của trời và đất giao với nhau tạo ra sấm chớp,... thì đó là giao dịch.


- Biến dịch nghĩa là biến hóa thay đổi, như nước từ thể lỏng do nhiệt độ nóng mà bốc hơi, nhiệt độ lạnh mà đóng băng thành thể rắn, người đang sống mà chết đi phân hủy thành đất thành bùn,... đó là biến dịch.


Trong đó nghĩa Biến Dịch chính là khái niệm quan trọng nhất của chữ Dịch trong Chu Dịch.


Cuối cùng là nói đến chữ Thì trong Chu Dịch. Chữ Thì này chính là chữ Thời, thời kỳ, thời đại, giai đoạn. Như mùa Xuân thì mai nở, hết xuân thì mai tàn, mùa hè thì nóng đến mùa đông thì lạnh, ban ngày thì trời sáng còn ban đêm thì trời tối. Mỗi một thời một thì có sự khác nhau, mọi sự tự có biến hóa biến dịch khác nhau. Nắm được chữ thì này thì thế gian không có chuyện gì mà bản thân không thể rõ ràng. Trời nắng thì đem đồ ra phơi, trời mưa đem lu vại ra hứng nước, chính là tùy thì mà xử sự.


Để có thể luận ra cách đối nhân xử thế, tùy thời mà ứng biến sao cho hợp đạo của trời đất, phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, thì chỉ cần nắm được các khái niệm đó là đủ. Càng tham biết nhiều quá các khái niệm khác không những chẳng giúp ta hiểu rõ mà còn dễ khiến bản thân lạc vào mê hồn trận rối rắm, càng ngày càng thấy khó hiểu và nhàm chán. 




Đến đây là hết phần giới thiệu sơ lược những khái niệm quan trọng.


_Đoạn Hồng Trần_


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad