Post Top Ad

TẢN VĂN

HUYỀN HỌC

Phong Nguyệt Đàm

Post Top Ad

2




Thuật lãnh đạo, cách để vững cơ đồ.

Sơ lục, lý sương, kiên băng chí.


Lý sương, kiên băng chí: Nghĩa là thấy sương giá lạnh lẽo dưới chân, chẳng mấy chốc sẽ đi đến chốn băng tuyết phủ dày.


Hào này chính là lời dạy của thánh nhân về việc dùng người và mưu sự làm việc.



Hễ làm việc gì, hay sử dụng người nào, phải hết sức cẩn thận ngay từ những giây phút đầu tiên. Như việc khi chân mình đạp lên sương giá, thì phải nghĩ ngay đến chuyện chẳng bao lâu nữa sẽ đi tới nơi băng tuyết dày đặc, lạnh lẽo.


Làm việc phải cẩn thận ngay từ lúc đầu, từ lúc những sự họa hại, nguy hiểm, mấy cái thứ tào lao bí đao vẫn còn chưa xuất hiện. Dùng người phải cẩn thận xem xét ngay từ lúc đầu, từ lúc mà cái tiểu nhân, điếm thúi vẫn còn chưa lộ ra.


Vì việc trong thiên hạ, họa chẳng phải sinh ra trong lúc họa, mà loạn cũng chẳng phải sinh ra trong lúc loạn. Khi họa đã rõ ràng, loạn đã lớn mạnh, mọi thứ đã loạn xì ngầu rối tung rối mù cả lên, thì khi này họa loạn đã ở lúc thịnh đạt, mạnh mẽ lắm rồi. Cái mầm mống của họa, loạn chính là sinh ra từ lúc thái bình thịnh trị, trong lúc an ổn hạnh phúc mà nhen nhóm.


Thật sự việc này cũng chẳng nằm ngoài triết lý âm dương của dịch học, trong âm luôn có dương, trong dương luôn có âm, lúc dương lớn đến cực điểm thì lại sinh ra cái âm nhỏ, lúc âm lớn đến cực điểm thì lại sinh ra cái dương nhỏ, đây chính là nghĩa của thái dương sinh thiếu âm, thái âm sinh thiếu dương. Cứ như vậy mà liên miên không dứt, tuần hoàn tiên tục.


Chính vì thế mà trong thiên hạ chẳng bao giờ có chuyện hoàn toàn tốt đẹp, hay hoàn toàn xấu xa. Trong lúc thịnh trị ắt có mầm mống của tai họa, trong lúc loạn lạc cũng có mầm mống của thái bình. Vì vậy chớ thấy mọi thứ đang suông sẻ mà không biết để tâm đề phòng họa loạn, chớ thấy người mới bắt đầu khởi sự còn trung chính, đàng hoàng mà không để tâm đến chuyện sẽ có lúc người ta biến chất.


Đang sống trong mùa xuân ấm áp, nhưng ta cũng ý thức được rằng rồi sẽ có ngày mùa đông lạnh lẽo đến, khi chân đạp lên sương giá thì ta cũng biết chẳng bao lâu mà tới chỗ có băng tuyết lạnh lẽo. Nếu đợi đến khi mùa đông ập đến mới chuẩn bị củi lửa, mới bắt đầu đan áo thì đã muộn, đợi đến khi bước chân vào chốn lạnh lẽo băng giá mới đi tìm đồ sưởi ấm thì đã muộn. Chính ngay từ lúc mùa đông chưa đến thì phải chuẩn bị sẵn những thứ cần thiết cho mùa đông, lúc chân đạp lên sương giá thì phải biết mình sắp đến nơi lạnh lẽo, mà chuẩn bị cho kỹ càng. Như biết bao loài động vật trước khi mùa đông đến chúng đều đi tìm thức ăn để ăn cho thật béo núc ních, vì chúng biết cần phải ngủ một giấc dài mùa đông, như bao loài cây cối trước khi mùa đông đến đều rụng sạch lá để trữ dưỡng chất mà tồn tại qua mùa đông.


Phàm là làm bất cứ chuyện gì, dùng bất cứ người nào, đều là phải cẩn thận kỹ lưỡng ngay từ những lúc đầu tiên, chớ để mọi chuyện xảy ra rồi mới bắt đầu tính toán thì đã muộn, như vậy chẳng khác nào "nước tới chân mới nhảy", "bình thường không tụng kinh, đến khi gặp họa thì ôm chân phật", thật nực cười.


Có câu "cẩn tắc vô áy náy", cẩn thận không bao giờ là thừa, tránh cho sau này phải hối hận.


Cũng có câu "họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm", tuy không có tâm hại người nhưng nhất định phải có tâm phòng người, đừng để đến khi dao đâm sau lưng mình mới hối hận.



Lục nhị, trực phương đại, bất tập, vô bất lỵ.


Trực là ngay thẳng.


Phương là vuông vức.


Đại là to lớn.


Bất tập, vô bất lỵ, tức là không cần luyện tập nhưng làm việc gì cũng thuận lợi.


Ý của thánh nhân trong câu này nghĩa là:


Đối với người đã có tài đức, mà lý tưởng lại ngay thẳng chính trực, lại còn hành sự theo đạo lý, thì dù cho không cố gắng nỗ lực vất vả thì mọi việc đều hanh thông, thuận lợi. Người đã có tài năng rất cao mà lại còn khiêm nhường nhu thuận, không cố chấp giữ lấy cái tôi của mình, mà thuận theo đạo của trời đất để hành sự, ắt được thần linh phù hộ, quý nhân giúp đỡ, mọi sự dù không cần phải cố gắng quá nhiều nhưng vẫn cứ thuận lợi suông sẻ.


Phàm trong thiên hạ, người có tài cao thường hay dễ tự phụ, dễ vướng vào cái tính kiêu ngạo không sợ trời không sợ đất, tự cho mình là đúng, bố mày là chất, bố mày là nhất. Chính vì thế dù tài có cao nhưng dễ chuốc họa vào thân, vì kiêu ngạo mà gây thù chuốc oán, tạo ra lắm kẻ thù, ắt lúc mưu sự làm việc phải gặp nhiều ngăn trở, khó khăn.


Như trong "tam quốc diễn nghĩa", Quan Công - Quan Vân Trường là một vị tướng tài ba dũng mãnh của nhà Thục Hán, về sau được người đời phong làm Võ Thánh, nhưng chính vì kiêu ngạo mà phải chết dưới đao của binh sĩ Đông Ngô. Trương Phi, huynh đệ kết nghĩa của Quan Công, cũng là một vị tướng tài ba kiệt xuất, vì binh sĩ dưới trướng không biết bố ông là ai mà ông đánh đập nhục mạ họ, vì thế mà sau này bị chính binh sĩ của mình chặt đầu trong lúc ông uống rượu say. Lại là "tam quốc diễn nghĩa", Lữ Bố được mệnh danh là "nhân trung Lữ Bố", có thể hiểu là đệ nhất nhân trong thiên hạ chính là Lữ Bố, nhưng dù dũng mãnh không thể bàn cãi, mà tính tình lại phản trắc bất trung, vì gái mà giết cha, vì tiền vì quyền mà phản bạn, thế nên cuối cùng khi bị Tào Tháo bắt, Tào Tháo thà chém đầu chứ không thèm sử dụng. 


Thế mới thấy có tài cũng chưa chắc thành đại sự. Người có tài phải biết thuận theo đạo lý mà hành sự mới đúng là bậc đại trí.


Như lời thánh nhân răn dạy trong hào này, có tài mà lại ngay thẳng chính trực, biết thuận theo đạo mà làm, thì dù không vất vả cố gắng, mọi sự vẫn thuận lợi. Người thuận theo đạo, tự khắc được đạo che chở, như con cái thuận theo cha mẹ thì được cha mẹ yêu thương.


Không tập luyện, không cố gắng trong hào này không có nghĩa là lười biếng, mà nghĩa là không mong cầu tham vọng cao lớn, không cố gắng tranh đoạt với người, Là người học Dịch chớ nên câu nệ ở mặt chữ, mà phải mở trí mình để suy nghĩ cho rộng, cho thấu đáo ý của thánh nhân.



Lục tam. Hàm chương khả trinh. Hoặc tòng vương sự. Vô thành hữu chung.


Hàm chương khả trinh, là có tài nhưng không khoe khoang.


Hoặc tòng vương sự, tức là gánh vác lấy việc của người trên.


Vô thành hữu chung, tức là dù không tranh giành hơn thua nhưng nhận về kết quả mỹ mãn.


Hào này là lời dạy của thánh nhân dành cho bậc tôi tớ, kẻ giúp việc cho người. Bản thân mình là bậc làm tôi, thì nên giữ đức khiêm nhường, chớ nên cậy tài mà khoe khoang, làm màu ra vẻ, trịch thượng lấn át người trên. Khi được giao cho trọng trách, tự thân mình nên biết là đã được trọng dụng rồi, vì nếu người ta không trọng mình thì đã không giao cho trọng trách, đã gánh lấy việc của người trên thì nên thật tâm cúc cung tận tụy mà hành sự, giữ lấy cho mình cái đạo trung nghĩa của bề dưới. Được như thế thì dù cho mình không tranh giành hơn thua với ai, nhưng cuối cùng vẫn sẽ nhận về kết cục tốt đẹp mỹ mãn.


Như Đức Thánh Trần của nước Việt ta là ngài Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, trước khi cha của ông là An Sinh Vương - Trần Liễu qua đời, vì ghim hận mối thù bị thằng em giựt vợ mà có trăng trối với ông rằng “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ thì cha chết xuống suối vàng sẽ không nhắm được mắt”. Nhưng cuối cùng ông vẫn không vâng lời cha mà cướp ngôi giành thiên hạ, một lòng cúc cung tận tụy vì giang sơn nhà Trần mà thủ hộ lấy quốc gia, lập nên kỳ tích vang dội cổ kim 3 lần đánh thắng quân Mông - Nguyên. Sau này ông được vua ban cho quyền có thể phong tước hiệu cho bất kỳ ai mà không cần thông qua vua, nhưng cả đời ông chưa từng phong tước cho ai, không tranh giành tước vị với ai, cũng không vì quyền lực tột bực cao mà khoe khoang lộng quyền. Một người có tài cao như thế, nhưng không khoe khoang, gánh vác lấy trách nghiệm của bề trên giao phó, một lòng cúc cung tận tụy cho đại sự, không màn tranh giành với ai dù cho cả thực lực, nhân lực và uy tín của bản thân đều đầy đủ để tranh giành thiên hạ. Đây rõ ràng chính là tấm gương cụ thể thiết thực nhất cho chúng ta hiểu được lời dạy của thánh nhân ở hào này. Cuối cùng tiếng thơm trung nghĩa của Trần Hưng Đạo lưu mãi ngàn đời.


Hữu xạ tự nhiên hương, hoa thơm không cần đánh tiếng kêu gào cho người ta biết nó thơm, cứ lẳng lặng tỏa hương nhưng người ta tự cảm nhận được hương thơm ấy. Người tài không cần kêu gào khoe khoang rằng mình tài giỏi, cứ nỗ lực làm cho trọn trách nhiệm của mình, nhìn thấy thành quả tốt đẹp sau cùng, người khác tự khắc kính phục, đứa nào không phục thì đứa đó đích thị là phường tiểu nhân, cứ kệ cha nó không cần quan tâm.


Lục tứ. Quát nang, vô cựu, vô dự.


Quát nang, tức là đem cái túi thắt lại, buộc lại.


Vô cựu, vô dự, tức là không tội lỗi gì, cũng không vinh quang gì.


Hào này là lời dạy của thánh nhân dành cho những người ở vào địa vị cao, nhưng tài đức thì thấp, tài năng không cân xứng với địa vị.


Thế gian này không thiếu những người tuy tài không cao nhưng vẫn được nắm giữ vị trí lớn, trọng trách cao. Có thể là vì quan hệ quen biết thân thiết với người chủ, có thể là cha mẹ truyền chức lại cho con, hoặc cũng có thể là người đó có sẵn gia nghiệp của tổ tiên để lại. Những người ở vào địa vị, hoàn cảnh như vậy quả thực rất nguy hiểm, nguy hiểm cho cơ nghiệp, nguy hiểm cho bản thân. Tài không đủ thì khó mà phát triển được cơ nghiệp, thậm chí có thể đưa cơ nghiệp rơi vào cảnh thất bại, phá sản. Tài không đủ mà lại ở vào vị trí cao, dễ sinh ra những chuyện, những việc tội lỗi, nhơ nhuốc, biết bao nhiêu tên hôn quân, hoạn quan, nịnh thần phá nát một triều đại cũng chính là như thế.


Thánh nhân dạy cho loại người ở trong hoàn cảnh này, giống như một người ngu mà có cái túi của cải thì phải thắt lại cho chặt. Người có tài cao, họ mở túi ra sẽ có thể bỏ thêm của cải vào trong đó, nhưng mình là kẻ không có tài cán gì, không biết buộc chặt lấy cái túi của mình, có thể còn khiến cho của cải trong cái túi ấy rơi rớt ra ngoài. Tuy buộc chặt lấy cái túi của mình, không thể khiến cho mình sinh thêm lợi ích gì nhưng ít ra giúp mình tránh khỏi tai họa.


Trong lúc hành sự làm việc, nên giữ lòng khiêm tốn, biết thỏa mãn với những thứ mình đang có, chớ tham vọng quá cao, không nên tham lam quá nhiều, đã ngu thì đừng nên ra vẻ. Tuy làm vậy bản thân không đạt được vinh quang gì, nhưng ít ra khiến cho mình tránh khỏi hiểm nguy, bản thân cũng không phải rơi vào hoàn cảnh chuốc lấy nhục nhã, gây ra tội lỗi.


Bản thân tài hèn sức mọn, mà lại được ở vào địa vị cao, làm việc gì cũng cần hết sức cẩn trọng. Nếu người trên mình mà tài giỏi, thì nên thuận tòng theo ý người trên mà làm, người dưới mình mà tài giỏi thì nên trọng dụng họ, lắng nghe, tiếp thu lấy ý kiến của họ. Đi một bước phải cẩn thận một bước, nói một lời phải cẩn trọng một lời. Người tài hèn mà giữ địa vị cao cũng không khác gì người sức yếu ớt mà lái thuyền ra nơi sóng to gió lớn, chỉ một chút bất cẩn là có thể tiêu tan tất cả, thuyền nát mạng vong. Làm việc cẩn trọng, giữ mình tu thân cũng phải cẩn trọng, luôn phải tâm tâm niệm niệm tu lấy cái đức của mình, tài sức kém cỏi mà địa vị lại cao khó tránh khỏi cảnh bị cám giỗ bởi quyền lực mà lộng hành, lộng quyền làm ra việc bất chính, để lại tiếng nhơ nhuốc khó rửa.


Như Hồ Quý Ly, tài hèn sức mọn, uy tín nhơ nhuốc, mà lại giữ địa vị cực cao là vua một nước, cuối cùng phải để mất nước vào tay nhà Minh, chính là một ví dụ cho hào này. Chúng ta lấy đó mà suy ngẫm.


Người bất tài mà giữ địa vị cao, chỉ cần cẩn trọng, tâm tâm niệm niệm giữ được cho mình trung chính, tuy chẳng được vinh quang nhưng cũng không gây ra tội lỗi gì, như vậy đã là rất tốt đẹp rồi. Thánh nhân cũng chẳng đòi hỏi người ở địa vị như vậy phải làm gì hơn nữa.


Ví như Hán Cao Tổ - Lưu Bang, bản thân ông chẳng có tài năng gì xuất chúng trong bất cứ lĩnh vực nào, duy chỉ có một điểm là biết dụng người tài và cẩn trọng trong mọi việc. Cuối cùng giành được một cơ đồ rộng lớn, thắng cả người được mệnh danh là cao thủ bậc nhất lịch sử Trung Hoa là Hạng Vũ.


Ta có thể thấy được, cẩn trọng từng bước, biết trọng dụng người giỏi hơn mình, chính là cái kỳ tài của kẻ bất tài mà ở vị thế cao.


Lục ngũ, hoàng thường, nguyên cát.


Hoàng thường, tức là cái váy, cái khố, cái đồ mặc ở phía dưới có màu vàng, màu vàng là màu tượng trưng cho cao quý.


Nguyên cát, tức là vô cùng tốt lành, tốt đẹp.


Tại sao lại là hoàng thường, nguyên cát?


Thâm ý của thánh nhân chính là người đã cao quý như sắc hoàng mà lại không tự cao, giữ mình khiêm hạ như cái váy ở phía dưới, thì kết quả ắt được vô cùng tốt lành.


Hào ngũ chính là ở vị trí chí tôn trong một quẻ, địa vị tột bực cao, như bậc quân vương của một nước, lãnh đạo của một phương. Người đã ở địa vị như thế, bản thân đã có vị trí rất cao quý, mà lại như hoàng thường, tuy cao quý nhưng khiêm hạ như mình ở phía dưới, không kiêu ngạo tự phụ, quả thực xứng đáng là một bực tài đức vẹn toàn, làm sao kết quả có thể không tốt đẹp cho được.


Thánh nhân muốn bày ra cho người đời một đạo lý của bậc đại trí tuệ, chính là: Cái cao quý ở địa vị, ở vẻ bề ngoài vẫn chưa thực sự là cao quý chân chính, mà còn phải tu dưỡng cho mình được cao quý cả ở trong tâm hồn nữa thì mới thật là cao quý. Chỉ quý ở cái bề ngoài, còn bên trong ngu dốt thô thiển, thì cũng chẳng khác gì những kẻ "trưởng giả học làm sang", chỉ có cái bề ngoài lấp lánh nhưng bản chất, cốt cách vẫn bần hèn. Như lông khổng tước thì đẹp, da cọp thì quý, nhưng cái đẹp cái quý đó cũng vẫn chỉ là cái cao quý của loài cầm thú, dù bên ngoài rất đẹp nhưng bản chất nó vẫn không thể thoát khỏi loài cầm thú tầm thường.


Muốn được thật sự tốt đẹp, thì phải ngoài tốt trong cũng tốt. Địa vị của mình đã được cao quý rồi, thì cũng phải cố gắng tu tâm dưỡng tính, giữ mình khiêm nhu, làm cho bên trong mình cũng được cao quý, thì khi này mới thật sự là cao quý chân chính. Người cao quý chân chính như vậy thì có khác gì một bậc thánh nhân đâu, ắt sẽ được nguyên cát, mọi sự tốt đẹp.


Hào này chính là lời khuyên của thánh nhân dành cho bậc lãnh đạo, bản thân mình đã ở địa vị tôn quý rồi, thì chớ quên tu dưỡng đạo đức bên trong, có như vậy thì mới được tốt lành, cơ nghiệp vững bền to lớn. Ở địa vị cao mà không biết tu dưỡng lấy mình, cũng chẳng khác gì một cây gỗ mục được sơn phết đẹp đẽ, đến lúc gặp phải va chạm tự nhiên sẽ gãy đổ. Chỉ có cái vẻ bên ngoài mà thiếu nội tại bên trong, cũng giống như quả bong bóng tuy nhìn to lớn nhưng bên trong chẳng có gì. Cao quý nhưng vẫn khiêm hạ, uy quyền nhưng không khoe khoang, làm người như vậy ai mà không kính phục, đến cả quỷ thần cũng cũng vài xem trọng.


Thượng Lục, long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng.


Long chiến vu dã, tức là rồng đánh nhau ì xèo ở ngoài đồng trống.


Kỳ huyết huyền hoàng, tức là máu văng tung tóe khắp trời đất.


Nghĩa của hào này nhìn chung cũng nằm trong triết lý của câu "vật cực tất phản", phàm cái gì chớ nên để nó đạt đến cực điểm, ắt sẽ sinh ra chuyện bại vong sụp đổ.


Hào này bao gồm hai lời khuyên của thánh nhân dành cho bậc lãnh đạo.


Thứ nhất, đối với việc dùng người, chớ nên để tồn tại quá nhiều những thành phần tiểu nhân ở trong tổ chức của mình, cũng không nên để những hạng tiểu nhân giữ những vị trí quá quan trọng, địa vị quá cao. Đối với đạo của trời đất, không lúc nào mà chỉ có dương không âm, cũng không khi nào chỉ có âm không dương. Đối với nhân loại cũng thế, chẳng thời đại nào mà chỉ có quân tử không có tiểu nhân, cũng không có chuyện chỉ có tiểu nhân mà không có quân tử. Nhưng quân tử phải nhiều hơn tiểu nhân, thì khi này tiểu nhân mới ở thế yếu mà phục tùng, phụng sự cho quân tử. Còn nếu tiểu nhân nhiều hơn quân tử, ắt quân tử bị lấn át, trở thành thế yếu, thiên hạ lúc này ắt phải rơi vào tay tiểu nhân.
Chính vì thế, trong việc nhân sự, làm một người lãnh đạo thì chớ nên để tổ chức của mình tiểu nhân quá thịnh, mà những vị trí quan trọng cũng chớ nên giao cho tiểu nhân quản lý. Nếu các vị trí chủ chốt rơi vào tay của tiểu nhân, mà thế lực của tiểu nhân lại quá mạnh, thì khó tránh khỏi cảnh tiểu nhân tranh đấu với quân tử, làm nên một cuộc sóng gió, như rồng đánh nhau, dù bên nào thắng, kết cục ắt cũng phải máu nhuộm gắp nơi, tang hoang một cõi.


Thứ hai, không để cho tổ chức của mình mọi sự quá sung sướng, tốt đẹp, thuận lợi, không còn cạnh tranh gì.


Không để cho đạo tiểu nhân được thịnh thì dễ hiểu, vậy cớ sao cũng không nên để cho mọi sự quá tốt đẹp hoàn mỹ. "Vật cực tất phản", cao quá tất dễ sụp đổ, đầy quá ắt sẽ tràn, căng quá ắt dễ đứt. Khi mà mọi sự đã quá thuận lợi, tốt đẹp, hanh thông, cứ như vậy trải qua một thời gian đủ dài, nhân sự tự khắc cũng quen dần với nhàn nhã, quen với sự dễ dàng, một khi có sóng gió, khó khăn vô tình bất chợt ập đến, họ khó mà có thể chống đỡ, vượt qua nổi, cũng giống như 1 cái cây được trồng trong bóng râm, đột nhiên bị đem ra nắng gắt buổi trưa, cây khó mà thích nghi kịp, ắt phải bị cháy nắng mà héo chết.


Cũng không cần thiết phải quá bài xích việc cạnh tranh, chỉ cần sự cạnh tranh đó không lớn, không vượt kiểm soát là được. Vì chính sự cạnh tranh tạo nên sự phát triển của nhân loại, thúc đẩy việc sáng tạo đấy thôi.


Khi tổ chức đã đạt tới ngưỡng cực thịnh, lúc này cần phải tạo ra thử thách cho nhân viên, không có thử thách thì mình tự tạo ra thử thách, chính là để trui rèn cho họ, không để ai ngủ quên trên chiến thắng. Cũng không cần hoàn toàn bài xích tiểu nhân, chỉ cần giữ được tiểu nhân ở mức độ luôn thấp hơn quân tử là được, không giao quyền chức quá cao cho tiểu nhân. Tiểu nhân không có nghĩa là bất tài, tiểu nhân tự có chỗ hay của tiểu nhân, dụng đúng chỗ vẫn có thể thành đại sự. Như ngày xưa vào thời nhà Trần đánh quân Mông - Nguyên, có vị tướng tên là Trần Khánh Dư, là một tay tiểu nhân nhưng lại có tài, thậm chí còn ngoại tình với con dâu của Hưng Đạo Vương, hết nói nổi cha nội này luôn!, nhưng Hưng Đạo Vương không vì kẻ này nhân phẩm không tốt, cũng không tính toán tư thù mà không dùng, cuối cùng nhờ cách dụng người sáng suốt của Hưng Đạo Vương mà tay Trần Khánh Dư này đã góp công rất lớn trong lần đánh quân Mông - Nguyên ấy.


Hào thượng lục này, ý tứ thật ra cũng chỉ bao hàm như thế. Một là chớ để tiểu nhân quá thịnh, hai là chớ để rơi vào hoàn cảnh ngủ vùi trong chiến thắng. Muốn hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh, cũng chính là triết lý như vậy. Nếu người lãnh đạo không đủ sáng suốt trong việc dụng người, ắt sẽ phải rơi vào cảnh long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng, cơ nghiệp tiêu tan.


Tổng luận:


Tổng kết lại quẻ bát thuần khôn này, ta thấy được một điều, thánh nhân rất trăn trở trong việc làm sao để người lãnh đạo, có địa vị, quyền tước trong tay, có thể giữ được đạo của quân tử. Vì những bậc lãnh đạo cũng chính là đầu tàu của một đoàn tàu, đầu tàu mà trật đường ray thì cả đoàn tàu chịu tai nạn, thượng bất chính thì hạ tất loạn, vai trò của những bậc lãnh đạo là vô cùng quan trọng, nhỏ thì là một tổ chức, lớn hơn thì là một cộng đồng, một quốc gia, thậm chí là cả nhân loại, thịnh hay suy đều phụ thuộc rất nhiều vào những bậc lãnh đạo đứng ở vị trí cao trọng như vậy.


Từ lúc khởi sự làm việc là hào sơ lục, thánh nhân đã răn dạy người quân tử phải cẩn thận hết mực từ trong việc làm cho tới dùng người. Phàm những lúc khởi sự như vậy, người còn thiếu kinh nghiệm, rất dễ vội vàng mong cho mau chóng thành công, cũng không lựa chọn người đồng hành với mình cho kỹ lưỡng, chính vì vậy mà tạo ra mầm mống hiểm nguy cho sau này. Đến khi cái mầm mống đó đã to lớn rồi, thì có khi muốn khắc phục cũng không thể được nữa.


Đến hào lục nhị thánh nhân lại răn dặn, chớ vì có tài mà cậy tài, phải tu dưỡng lấy cái đức khiêm nhường, tu lấy cái tâm ngay thẳng trung chính, kẻ có tài mà đạo đức thối nát, dù có thành đại sự thì cơ nghiệp cũng chẳng thể lâu bền. Chính vì thánh nhân sợ rằng, khi con người có được chút thành tựu rồi, rất dễ buông lòng mình rơi vào cám giỗ của tội lỗi.


Đến hào lục tam thánh nhân sợ người có tài thường hay khoe khoang tài năng, vì đó mà chuốc lấy họa, ếch chết bởi cái mồm kêu oang oang, hổ chết vì bộ lông nó vừa đẹp vừa quý, cũng chính là đạo lý đó. Chính vì thế mà khuyên người quân tử phải giữ lấy đức khiêm tốn, việc của mình cứ hoàn thành thật tốt, kết quả tự khắc viên mãn, đừng đấu đá hơn thua với người làm gì, cuối cùng cũng chỉ thành "trai cò đấu nhau, ngư ông đắc lợi" mà thôi. Thay vì đấu đá, lấy thời gian đó, tâm sức đó mà làm thật tốt việc của mình, trời xanh tự khắc có an bài.


Hào lục tứ là lời khuyên dành cho người bất tài nhưng lại có quyền uy cao trọng, tuy tài năng kém cỏi, nhưng đây vẫn là hạng người quân tử, tự biết mình kém cỏi. Đã tự nhận thức được điều ấy, thì nên giữ mình, giữ cái đức trung chính, liêm khiết, trọng dụng người tài, vâng phục người trên. Chớ nên tham lam, lạm quyền, mà chuốc lấy tai họa. Tuy kết quả chẳng được vinh quang gì, nhưng chí ít bản thân cũng tránh khỏi phải rơi vào hiểm cảnh.


Đến hào lục ngũ, là lúc người đã thăng tiến đến vị trí tột bực cao rồi, thánh nhân khuyên rằng dù cho đã ở vị trí chí tôn, thì cũng hãy giữ lấy đức khiêm nhường. Bản thân địa vị đã cao quý, hãy tu lấy cái tâm cho cao quý, như vậy mới được trọn vẹn cao quý.


Cuối cùng là hào thượng lục, thánh nhân căn dặn người làm lãnh đạo phải biết đề phòng tiểu nhân, đồng thời cũng phải biết cách tạo động lực thúc đẩy cho mọi người, không để cho tiểu nhân phá hoại, cũng không để cho mọi người chìm đắm trong an nhàn, như vậy chẳng khác nào câu chuyện "con chuột và hũ gạo" cả.


Xuyên suốt cả quẻ này, ta thấy được rằng có 2 vấn đề được nhắc lại liên tục, đó là đức khiêm và sự cẩn thận. Làm một người lãnh đạo, phải giữ được cho mình đức khiêm và cẩn thận trong mọi việc dù lớn hay nhỏ, có như vậy mới thành đại sự, cơ nghiệp được vững bền.


_Đoạn Hồng Trần_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad