Post Top Ad

TẢN VĂN

HUYỀN HỌC

Phong Nguyệt Đàm

Post Top Ad

4




 QUẺ SỐ 4 

QUẺ SƠN THỦY MÔNG

ĐẠO DẠY NGƯỜI, TU THÂN MÀ BẤT CỨ KẺ NÀO CŨNG ĐỀU NÊN HỌC!

LỜI KHUYÊN CỦA THÁNH NHÂN VỀ VIỆC TU THÂN DẠY DỖ DÀNH CHO BẬC CHA MẸ, NGƯỜI LÀM THẦY, LÀM GIÁO DỤC, LÀM ĐÀO TẠO NHÂN SỰ...

.......



1.  Hào  Sơ Lục.


初 六.     發 蒙,利 用 刑 人,用 說 桎 梏,以 往 吝。發 蒙,


              利 用 刑 人,用 說 桎 梏,以 往 吝。


Sơ Lục. Phát Mông, lợi dụng hình nhân, dụng thoát trất cốc, dĩ vãng, lẩn.

Phát mông, chính là dạy dỗ cho người, đưa người ra khỏi cảnh mông muội.

Lợi dụng hình nhân, nghĩa là lợi dùng hình phạt để dạy dỗ người.

Dụng thoát trất cốc, tức là tháo gỡ gông cùm cho người, trất cốc là gông cùm.



Hào này chính là lời khuyên của thánh nhân trong việc dạy dỗ những hạng người cố chấp, cứng đầu, lì lợm.


Thế gian này có những người rất cứng đầu và khó dạy dỗ, có thể điều này là do bản thân họ vốn dĩ như vậy, có thể là do tập quán sống, hoặc những niềm tin sai lệch đã được định hình trong đức tin của họ. Những thứ đó như gông cùm trói buộc tâm trí của những người này, muốn khai sáng được cho họ trước tiên phải tháo gỡ được cái gông cùm cố chấp này đã. Nhưng mà gông cùm này đã trói buộc quá chặt, dùng biện pháp nhẹ nhàng khó mà tháo gỡ nó ra nổi, phải dùng đến những biện pháp mạnh hơn mới mong cắt đứt được chúng. Đối với những kẻ cứng đầu, nếu chỉ dùng biện pháp nhẹ nhàng, giáo huấn bằng kẹo ngọt, thì cũng chẳng thể thay đổi được sự ngu muội của họ. Lúc này cần phải dùng đến hình phạt, biện pháp cứng rắn thì mới gò nắn họ vào khuôn phép được. Dùng hình phạt không phải để thị uy, cũng không phải để hành hạ người, lại càng không phải để trút cơn tức giận, mà chính là để đập tan lớp xiềng xích cố chấp, cứng đầu, lì lợm đang trói buộc tâm trí của họ. Khi cái gông cùm mông muội đã được tháo gỡ, tâm trí họ đã được khai sáng thì lúc này không cần phải dùng hình phạt nữa.


Dạy dỗ những người cứng đầu cũng giống như thuần những con ngựa hoang bất trị vậy, không thể đứng nói lý lẽ với nó thì nó tự chạy về chuồng để mình đóng móng sắt, thắt dây cương. Phải đập tan sự kiêu hãnh hoang dại của nó trước đã, sau đó mới có thể dạy dỗ nó như những con ngựa bình thường khác được.



2. Hào  Cửu nhị.

九 二.      包 蒙 吉﹔ 納 婦 吉﹔ 子 克 家。

Cửu nhị. Bao mông, cát. Nạp phụ, cát. Tử khắc gia.

Bao mông, cát, tức là phải bao dung cho kẻ mông muội mới tốt.

Nạp phụ, cát, tức là phải cưu mang dạy dỗ cho kẻ mông muội mới tốt.

Tử khắc gia, tức là tuy phận bề dưới nhưng cảm hóa được người trên, giúp người trên thoát cảnh ngu muội, giống như một người con mà lại chỉnh lý được việc trong nhà.



Thâm ý của thánh nhân trong hào này cốt ở 2 chữ "Bao, nạp", muốn dạy dỗ, khai sáng cho thiên hạ trước tiên phải mở lòng mình cho rộng như trời đất, bao dung, thu nạp được tất cả mọi vật. Phàm là kẻ ngu si đều rất khó dạy, nhưng vì ngu si nên mới cần dạy, muốn dạy được họ phải bao dung được cho cái ngu muội của họ, cưu mang dạy dỗ cho họ, hết lòng, tận tụy. Tuy rằng ngu si, nhưng chỉ cần họ chịu phục tùng giáo hóa, bất kể là hạng người nào, tầng lớp gì, mình cũng sẵng lòng dung nạp, không cự tuyệt.


Muốn cảm hóa được thiên hạ, trước tiên phải có lòng bao dung.


Nhưng đó cũng mới chỉ là ý nghĩa của 2 câu "bao mông, cát. Nạp phụ, cát." mà thôi, vậy còn "tử khắc gia" là lại làm sao.


Đó là bởi vì hào Cửu Nhị này tượng trưng cho người thầy lớn của 1 quốc gia, 1 cộng đồng, một xã hội, như ông Khổng Tử, như ông Nguyễn Trãi. Tuy bản thân không phải là bậc nguyên thủ nhưng lại là người giáo hóa cho cả một dân tộc, giúp dân tộc đó thoát khỏi cảnh ngu muội. Tựa như một người con trong nhà, tuy không phải là người có quyền lực cao nhất trong nhà nhưng lại có công chỉnh lý được những việc quan trọng của gia đình.


Ngoài ra ta cũng phải hiểu rằng, hào này cũng ám chỉ cho những người làm quân sư, làm đào tạo nhân sự, hay những người quản lý. Học Kinh Dịch cũng chính là khai phóng tư duy, chớ để cho suy nghĩ mình bó buộc trong chiếc lồng của sự cố chấp. Không phải thấy bảo là thầy thì chỉ chăm chăm nghĩ đến chữ thầy, mà phải hiểu rằng người làm quân sư cũng chính là thầy, người làm đào tạo cũng chính là thầy, người quản lý, tổ trưởng, trưởng phòng cũng chính là thầy. "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", chỉ cần là dạy dỗ cho người thì đó chính là thầy.


Muốn trở nên một người thầy giỏi, trước phải học được tính bao dung, không dung nạp được người thì làm sao dạy người. Trở nên một người thầy của thiên hạ lại càng phải bao dung.


Chính vì bao dung, thu nạp để dạy dỗ cho thiên hạ thoát khỏi cảnh ngu muội, nên dù bản thân không phải là bậc quân vương nhưng lại có thể cứu lấy cả một dân tộc.



3. Hào  Lục tam.

六 三 :      勿 用 娶 女﹔ 見 金 夫,不 有 躬,無 攸 利。

 Lục tam. Vật dụng thú nữ. Kiến kim phu. Bất hữu cung. Vô du lỵ.


 Nghĩa của hào này là: một cô gái nhu nhược mù quáng, gặp trai giàu thì đi theo bất chấp, loại con gái như vậy chớ nên lấy.


Thâm ý của thánh nhân trong hào này là: đối với hạng tiểu nhân, thấy tiền tài thì quên ân nghĩa, vì tiền tài mà chuyện gì cũng dám làm, quên hết đạo làm người. Loại người như thế chớ nên kết giao, không nên sử dụng, mà cũng chẳng thể dạy được, loại người như vậy chớ nên tốn công sức bồi dưỡng làm gì.


Thánh nhân muốn nói cho ta một đạo lý, ở đời không phải hạng người nào cũng có thể dạy dỗ được, có những hạng người bản chất đã tiểu nhân, bùn nhão không thể gột thành hồ, chớ nên tốn công phí sức với hạng người ấy làm gì, cuối cùng cũng chỉ là công dã tràng mà thôi.


Hạng người đã ngu si mà lại còn bất nhân bất nghĩa, cũng giống như một cái giẻ đã cũ mục rách nát, dù cho có cố chấp khâu vá lại thì cũng chỉ tốn công tốn sức mà cuối cùng cũng chẳng thể sử dụng được, càng khâu lại càng rách, càng vá lại càng nát, chi bằng vứt đi mà mua một cái giẻ mới.


Bên cạnh đó, đây cũng là lời khuyên của thánh nhân, làm người chớ nên quên mất đạo nghĩa, chớ vì 1 chữ tiền mà vứt bỏ tiết hạnh, kết cục ắt phải chuốc lấy đau khổ mà thôi.



4. Hào  Lục tứ.

六 四.      困 蒙,吝。

Lục tứ. Khốn mông, lẫn.

Khốn mông, tức là vây khốn trong vòng mông muội.

Lẫn, tức là đáng xấu hổ, nhục nhã.


Hào này nói đến những người bản thân đã mông muội, không có thầy bạn tài đức để mở mang khai sáng cho mình, mà suốt đời lại nhốt mình trong vòng của mông muội, chỉ biết kết giao chơi bời với những phường mông muội ngu ám khác, không biết tìm đường để thoát ra, sống một đời như thế thật đáng xấu hổ.


Tư chất đã ngu dốt mà lại còn không chịu học, tất chỉ có thể làm phường hạ lưu mà thôi.


Lời thánh nhân khuyên cho hạng người đã ngu muội mà lại còn sống trong môi trường toàn những kẻ ngu muội, nếu không muốn cả đời hạ lưu thì chỉ có một cách đó chính là phải học. Mà bản thân đã ngu thì làm sao có thể tự học được, phải cố gắng thoát ra khỏi môi trường độc hại hiện tại, tìm kết giao với những người bạn giỏi, thầy hay để nhờ họ mà mở mang trí tuệ cho mình. Đó chính là đạo lý "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".


Đối với việc dạy người, gặp người ngu muội mà lại sống trong môi trường độc hại, thì phải khuyên người ta thoát ra khỏi cảnh đó, nếu không thì thật sự rất khó để dạy được họ. Việc đó cũng giống như lấy một cái áo dưới bùn đem đi giặc, phơi chưa kịp khô thì nó lại rơi xuống bùn nữa rồi, thật vô nghĩa.


5.  Hào  Lục ngũ.

六 五.       童 蒙,吉。

 Lục ngũ.  Đồng mông, cát.

Đồng mông, tức là trẻ con ngu muội, hay cái ngu muội của trẻ con.

Cát, tức là tốt lành.

Trẻ con ngu muội sao lại tốt lành.



Trước tiên ta phải nói một chút về nghĩa của vị trí hào ngũ, trong dịch học, hào ngũ tượng trưng cho vị trí chí tôn, như người làm vua, làm chủ, làm lãnh đạo. Mà hào ngũ trong quẻ này lại là vạch đứt, tức là hào âm, âm thì nhu thuận, tượng như một người chủ nhưng lại khiêm hạ không chuyên quyền. Mà hào ngũ thì chính ứng với hào nhị, hào nhị trong quẻ này tượng trưng cho một bậc minh sư tài đức.


Vì thế hào lục ngũ quẻ này tượng trưng cho một người làm chủ mà biết khiêm hạ nghe lời hiền thần, biết tín dụng hiền tài. Tựa như một đứa trẻ con, tuy ngu muội nhưng vì trẻ nhỏ nên dễ dạy bảo, ắt có thể dạy bảo được thuận lợi.


Làm người chủ mà biết khiêm hạ nghe lời khuyên của hiền thần, biết trọng dụng hiền tài, thì ắt mọi chuyện sẽ được tốt lành.



6. Hào  Thượng Cửu.

上 九. 擊 蒙,不 利 為 寇,利 御 寇。

Thượng Cửu. Kích mông. Bất lợi vi khấu. Lợi ngự khấu.

Kích mông, bất lợi vi khấu, tức là nếu chỉ dùng cách công kích để dạy người mông muội, sẽ đưa nó vào cảnh bất lợi, hóa điên hóa cáu bẩn mà chẳng thể dạy được.

Lợi ngự khấu, tức là phải ngăn ngừa những gì không hay, dạy dỗ từ từ, không nên vội vã.



Tại sao ở hào sơ thì có thể dùng hình phạt, mà hào thượng này lại không nên dùng.


Trong dịch học, hào thượng chính là thời điểm cùng cục của một thời, một việc. Cho nên kẻ mông muội ở hào này không như hào sơ, vẫn còn non dại có thể dể dạy dỗ, kẻ ngu muội của hào thượng này là một đứa rất ngu, cực kỳ ngu.


Đối với một kẻ ngu đến cực điểm như vậy chớ nên dùng biện pháp quá mạnh, công kích thái quá, chỉ tổ làm cho kẻ đó phát điên, nổi khùng mà bỏ học thôi. Thậm chí có thể khiến cho kẻ đó vì bất mãn mà làm nên những chuyện không hợp đạo lý, như trò đánh thầy, hành hung thầy.


Cũng chớ nên nhồi nhét cho họ quá nhiều kiến thức, cũng chỉ khiến họ không tiếp thu nổi mà thành ra bỏ cuộc. Cuối cùng tuy dạy họ mà lại thành ra hại họ.


Đối với những kẻ như vậy phải áp dụng biện pháp "mưa dầm thấm đất", dạy bảo chỉ dẫn họ từ từ, chậm rãi, ngăn chặn họ tiếp xúc với những thói hư tật xấu. Dần dà như thế mới may ra có thể đưa họ về nẻo ngay đường chính.


Đối với việc trị loạn hay đối phó với tiểu nhân cũng như thế, chớ nên dùng biện pháp quá cứng rắn, dễ rơi vào cảnh tức nước vỡ bờ.



Tổng Luận


Xuyên suốt quẻ Sơn-Thủy-Mông này ta có thể thấy được đạo lý dạy người trong thiên hạ, phải biết tùy cơ ứng biến, không thể cố chấp nhất nhất chỉ dùng một cách mà có thể dạy dỗ được hết tất cả. Người có kẻ ngu, kẻ khôn, có kẻ cố chấp, có kẻ đơn thuần, dạy người chính là phải hiểu rõ người ta là hạng người nào mà lựa chọn phương pháp dạy dỗ cho hợp lý.


Mà thế gian này vốn dĩ thiên biến vạn hóa, con người cũng có vô cùng vô tận thể loại, có những hạng người như hào Lục-Tam bất trung bất nghĩa, hám lợi quên thân, loại người như vậy chẳng thể nào dạy dỗ cho được, chẳng nên thu nhận làm gì.


Mà kẻ làm thầy cũng phải có được tấm lòng của bậc minh sư, bao dung, thu nạp những ai thật tâm muốn cầu học với mình.

 

Người làm thầy chớ nên chỉ chăm chăm dạy chữ, mà cũng phải biết dạy học trò đạo làm người, người không học không có tri thức, nhưng người không có đạo đức thì không xứng làm người.


Khổng tử có câu nói như thế này: "Dựng nước gìn dân lấy học làm đầu". Thế mới thấy vai trò của người làm thầy trong thiên hạ quan trọng đến thế nào.


Trước khi kết thúc, mời quý vị cùng nghe một câu chuyện:


Chuyện kể rằng Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy.


Tử Cống thấy vậy hỏi thầy:


– Người ấy về nước rồi làm quan có sao không?


Khổng Tử rung đùi đáp:


– Không sao.


Lại hỏi tiếp:


– Làm tướng có được không?


Khổng Tử vuốt râu đáp:


– Được.


Lại hỏi tiếp:


– Thế nhỡ về làm giặc?


Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời:


– Cũng không hại gì!


Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm mà thủng thẳng bạch với thầy:


– Nghe nói Mỗ ấy xin về nước chỉ để làm thầy!


Khổng Tử vừa nghe câu đó, bỗng giật nẩy mình. Thế là chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải, vội vàng chạy bắn ra khỏi cổng!


Học trò đuổi theo hỏi:


– Thầy chạy đi đâu?


Khổng Tử vừa thở vừa đáp:


– Sang ngay nước Đằng.


Học trò lại hỏi:


– Thầy sang nước Đằng làm gì?


Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời:


– Sang ngăn không cho tên Mỗ này làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ!

_Đoạn Hồng Trần_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad