Post Top Ad

TẢN VĂN

HUYỀN HỌC

Phong Nguyệt Đàm

Post Top Ad

Địa Thủy Sư, Thuật dụng binh, điều quân khiển tướng 

7


7

:|:::: Địa Thủy Sư (師 shī)


Quẻ Địa Thủy Sư, còn gọi là quẻ Sư 師 (shi1), là quẻ số 07 trong Kinh Dịch


* Nội quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).


* Ngoại quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).



1. Hào Sơ Lục.


初 六.      師 出 以 律, 否, 臧, 凶。


Sơ Lục.  Sư xuất dỉ luật, phủ, tàng, hung.


Sư: là người chủ trì, hoặc quần chúng cũng gọi là sư.

Dỉ luật: là đúng với luật lệ, có kỷ cương nề nếp.

Sư xuất dỉ luật: là một khi xuất binh thì phải luật pháp nghiêm minh, danh nghĩa phải đàng hoàng.

Phủ: nghĩa là phủ định.

Tàng: tức là thiện lành.

Sư xuất dỉ luật, phủ, tàng, hung: tức là một khi xuất binh thì phải có kỷ cương, đúng đạo nghĩa, còn nếu không thì chuyện hung hiểm không tốt lành ắt phải xảy ra.


Đại khái hào này có 2 ý chính, thứ nhất là xuất quân phải có kỷ luật nghiêm minh, thứ hai là xuất quân phải dựa trên một lý tưởng chính đáng rõ ràng thiện lành.


Bàn về ý thứ nhất: kỷ luật nghiêm minh.


Xuất quân là một cột mốc cực kỳ quan trọng, trước khi xuất quân ắt phải có luyện quân, sau khi xuất quân ắt phải dụng quân. Luyện quân phải kỹ càng nghiêm chỉnh, thì khi xuất quân mới không loạn, xuất quân có kỷ luật thì lúc dụng binh mới tiến thoái thuận lợi. 


Khi xuất binh kỷ luật nghiêm minh, chứng tỏ binh lính ấy đã được đào đạo rất tốt, mà người lãnh đạo cũng là một kẻ xuất chúng. Vì phàm chuyện trong thiên hạ nếu đã có trên dưới thì "trên bất chính hạ tất loạn", người lãnh đạo vô dụng không thể nào chỉ huy nổi một đội quân tinh nhuệ, một toán quân ô hợp cũng chẳng thể trở thành thanh gươm sắc giúp cho người chủ tướng giành thắng lợi dù cho bản thân có tài giỏi đến đâu. Vì chuyện dụng binh đánh trận không phải trò chơi một người, mà cần nguyên vẹn tập thể đó đều phải nhất nhất hiểu rõ hiệu lệnh, tiến thoái đồng bộ. Như một cái rổ dù cho có to lớn đến đâu thì cuối cùng cũng chẳng thể dùng để chứa nước, vì nó chứa toàn kẻ hở, một đội quân dù cho có đông đảo đến đâu mà vô kỷ luật thì cuối cùng cũng phải chuốc lấy kết cục thảm hại, vì đâu đâu cũng là điểm yếu. Có câu "binh cốt ở tinh nhuệ chứ không cốt ở số đông".


Có lẽ đối với những ai ưa thích và xem nhiều các trận bóng đá thế giới thì chẳng còn lạ lẫm gì với chuyện một đội bóng toàn ngôi sao nhưng vẫn thất bại trước một đội bóng chẳng có ngôi sao nào. Bởi vì mỗi một cầu thủ ngôi sao kia đều chỉ thích đá theo ý của mình, rõ ràng chính là vô kỷ luật. Ví dụ cụ thể nhất chính là việc đội tuyển bóng đá Hy Lạp vô địch Châu Âu năm 2004, có thể xem như là kỳ tích của làng túc cầu. Một đội bóng không có ngôi sao nhưng từng bước loại đi những đối thủ nặng ký toàn sao, mãi về sau này người ta nói gì khi nhắc đến nhà vô địch Hy Lạp lúc ấy, chính là "một huấn luyện viên tài ba, một đội ngũ đoàn kết và kỷ luật".


Bàn về ý thứ hai: Xuất quân phải có danh nghĩa chính đáng.


Xuất quân tất cần phải có lý do, không có lý do vậy xuất quân vì mục đích gì? Đã có lý do, nhưng lý do cũng cần chính đáng, theo ý của Chu Công viết trong hào từ này thì lý do chính đáng cần dựa trên chữ "thiện", lý do không thiện thì không đủ chính đáng.


Xuất quân để bảo vệ hòa bình cho dân tộc là Thiện và chính đáng, xuất quân xâm lược là Bất Thiện và không chính đáng. Xuất quân để dẹp yên biến loạn đem về thái bình là Thiện và chính đáng, xuất quân để gây cuộc binh biến tang thương là bất Thiện và không chính đáng.


Theo ý của Thánh Nhân xuất binh có lý do là chưa đủ, lý do đó phải dựa trên việc đem lại hạnh phúc cho nhân sinh thì mới đủ. Không có lý do thì không thể xuất binh, lý do không chính đáng thì ắt phải đem về một kết cục chẳng thể tốt lành.


Tại sao thánh nhân không bàn đến thắng hay bại ở hào từ này, mà chỉ dùng chữ Hung để nói đến kết cục tốt hay xấu mà thôi. Bởi vì thành chưa chắc sẽ mang lại kết cục tốt mà bại cũng chưa hẳn nhất định sẽ tạo ra hậu quả xấu. Vì đã chiến ắt luôn phải có thắng bại, có bên thắng ắt phải có bên bại, không có kẻ bại thì người thắng là thắng ai, còn một khi kết cục là hòa cũng có nghĩa cả hai phía đều bại, vì cả hai đều không thắng, trong một cuộc chiến mà không thắng tất là bại, bại vì tổn thất, bởi chuyện đã có chiến đấu ắt phải có tổn thất. Mà nhân gian này đâu phải lúc nào chính cũng thắng tà, tà thắng chính đã là chuyện hiển hiện rõ ràng chân thật suốt lịch sử nhân loại này. Chính vì thế mà Thánh Nhân không nói về thắng thua mà chỉ bàn đến kết cục tốt xấu mà thôi.


Phụ chú: Kính thưa quý vị, trong nội dung của một hào thì ngoài hào từ của Chu Công ra còn có Tiểu Tượng Truyện của Khổng Tử, vậy tại sao Đoạn Hồng Trần không diễn giải Tiểu Tượng Truyện của Không Tử mà chỉ diễn giải Hào Từ của Chu Công mà thôi. Đó là do lý giải của Khổng Tử tuy có hay, nhưng vẫn đậm nét riêng của Nho Giáo và thiên hướng cá nhân của ông, chính vì vậy có rất nhiều nội dung thiếu khách quan và đậm tính giáo điều, mà đối với Kinh Dịch thì phải khách quan, người học phải được học tri thức khách quan, người diễn giải cũng phải diễn giải khách quan. Diễn giải của Khổng Tử vẫn là quá chủ quan mà mang đậm tính chất điều hướng tư tưởng, chính vì thế nên Đoạn Hồng Trần tôi không đánh giá cao về giá trị chân chính của Dịch học trong phần Tiểu Tượng Truyện, do đó tôi không bàn đến để khỏi mất thời gian của quý vị. Còn về phần Hào Từ của Chu Công tuy thực sự là tinh hoa, thực sự là khách quan và trung dung nhưng cũng khó tránh có vài điểm mang theo ý muốn riêng tư mà bản thân của Thánh Nhân muốn gửi vào nhằm hướng nhân loại đi theo con đường chính đạo, ủi an người quân tử và răn dạy kẻ tiểu nhân hãy quay đầu. Chính vì thế mà trong hào này Chu Công chỉ bàn đến tốt xấu chứ không bàn đến thắng bại, vì nếu nói xuất quân không thiện mà tất phải bại thì không đúng, không chân thật, nhưng nếu nói dù xuất quân có không thiện đi nữa mà chỉ cần có quân hùng tướng mạnh, đội ngũ  tinh nhuệ và kỷ luật thì cũng ắt sẽ thắng lợi, thế chẳng phải là cổ vũ cho tiểu nhân dấy loạn hay sao, cũng khó tránh làm cho quân tử có chút nguội lòng chán chường. Vậy những giá trị sâu xa hơn, cụ thể hơn và đủ đầy hơn thì Đoạn Hồng Trần xin phép gửi đến quý vị trong bộ Kinh Dịch tinh hoa mà sau này tôi sẽ thực hiện, còn ở đây Đoạn Hồng Trần xin phép chỉ dựa vào lời của Thánh Nhân để diễn giải, vì nếu diễn giải những thứ không có trong Hào Từ thì đó là lời của tôi chứ không còn là của Chu Công nữa, như thế là thiếu tôn trọng tiền nhân và thiếu trung thực với quý vị.


Quay lại với nội dung hào này: tại sao lý do xuất binh không thiện thì lại hung, chẳng phải đã xuất binh thì quan trọng là thắng hay bại chứ thiện ác có liên quan gì, vậy thì thắng là cát còn bại là hung chứ. Nếu nghĩ như thế thì còn học Kinh Dịch làm gì, thắng bại là chuyện của thành tựu còn cát hung là nói đến nhân sinh. Bản thân câu "sư xuất dỉ luật" đã là thuật dụng binh định đoạt thành bại rồi, còn phần sau "phủ, tàng, hung" là nỗi trăn trở và tầm nhìn của Thánh Nhân muốn gửi gắm đến hậu thế. Nếu binh bại, mà phe bại đó là thế lực đem đến bi thương cho dân chúng, vậy chẳng phải tuy là bại nhưng thiên hạ được thái bình sao. Nếu chiến thắng, nhưng phe thắng cuộc lại là lũ hung đồ máu lạnh, vậy chẳng phải dù thắng nhưng dân chúng phải gánh chịu bi thương hay sao, vậy thì thắng sao mà cát được, rõ ràng chính là hung. Nhưng đừng tưởng cái hung sẽ vĩnh viễn chỉ có dân đen gồng gánh, đến một ngày thế lực cai trị tà đạo cũng phải gánh lấy chữ hung mà sụp đổ, tức nước thì vỡ bờ thôi. Hãy nhìn vào dòng dịch sử của nhân loại mà xem, có một triều đại bất thiện nào mà trường tồn hay không, rồi đến một ngày tất phải sụp đổ. Cho nên xuất binh mà bất thiện thì trước là hung hiểm cho dân chúng, sau chính là hung hiểm cho triều đại. Dân thấy kẻ xuất binh mà bất thiện thì chớ nên ủng hộ, lính mà thấy chủ xuất binh bất thiện thì chớ nên đầu quân kẻo bản thân chuốc lấy ác nghiệp. Như bậc kỳ tài Nguyễn Trãi có viết trong Bình Ngô Đại Cáo "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân", không cho dân chúng được yên thì nói triệu lời nhân nghĩa cũng chỉ là dối trá lừa bịp.


Thánh Nhân mong cho người lãnh đạo một khi xuất binh hãy đi theo chính đạo để tạo phúc cho nhân sinh, tích phúc cho chính mình. Mong cho người dân đen biết nhìn thời thế mà rõ ràng kẻ xuất binh là thiện hay ác, biết thiện hay ác để theo hay không theo. Nhìn thấy nhân dân khổ ải thì đó chẳng thể là tốt lành được, không tốt lành ắt thế lực xuất binh là ác, chớ để bị dụ hoặc bởi lời dối trá, vì không phải chỉ có thánh nhân mới nói lời hay mà tiểu nhân cũng nói rất hay, không phải chỉ có Phật mới toát ra hào quang mà quỷ vương cũng có thể toát ra hào quang rất sáng.


Một khi xuất binh mà lý tưởng không thiện, ắt sẽ chỉ đem lại hung hiểm và đau thương mà thôi. Lịch sử vẫn còn ghi chép rất rõ về thời Phát Xít, ghi chép rất nhiều về bao nhiêu cuộc xâm lược đầy dã tâm ở thời trung đại, và Việt Nam là nạn nhân của rất nhiều lần bị tà thần ghé thăm, hiện tại những thế lực khủng bố  vẫn còn hoành hành gieo rắc đau thương, và các cuộc chiến vẫn đang diễn ra khắp nơi hòng thỏa mãn lòng tham của lũ chóp bu. Bao nhiêu những ví dụ đó có lẽ đã đủ để ta hình dung ra ba chữ "phủ, tàng, hung" mà Thánh Nhân muốn gửi gắm.


2. Hào Cửu nhị.


九 二.      在 師 中,吉 無 咎,王 三 錫 命。


Cửu nhị. Tại sư trung, cát, vô cựu, vương tam tích mạng.


Sư trung: là người cầm quân có tài.

Cát: là tốt lành.

Vô cựu: là không phạm phải tội lỗi, sai lầm.

Tích: tức là được ban thưởng, phàm cái gì của triều đình ban cho thì gọi là Tích.

Mạng: tức là mệnh, mạng người, tính mạng.

Vương tam tích mạng: tức là được vua ban thưởng cho tận ba lần.


Vốn dĩ đối với những hào khác thì chúng ta sẽ chỉ nói qua một số nghĩa của các từ hán để cho quý vị dễ hình dung, rồi sau đó là diễn giải luôn nội dung của hào đó. Nhưng ở hào này Đoạn Hồng Trần xin phép nói một chút về câu "vương tam tích mạng" trước khi đi vào nội dung chính, để tránh cho việc sẽ có quý vị nào đó bị khúc mắc ở chỗ chữ "mạng". Tại sao "vương tam tích mạng" có nghĩa là được vua ban thưởng cho ba lần, vậy thì chỉ cần "vương tam tích" là đã đủ nghĩa rồi, thêm chữ "mạng" vào làm gì. Thứ nhất là hào này ý nghĩa lớn nhất vẫn là nói về cầm quân đánh trận, người ở sa trường tính mạng khó mà nắm chắc, chính vì thế phải còn mạng thì mới nhận được ban thưởng, vậy chữ mạng ở đây chỉ việc ban thưởng cho người có công lao còn sống quay về. Thứ hai, Chữ mạng "命" trong tiếng hán cũng có hình dáng như ngôi nhà, tức chỉ cho việc ngoài ban thưởng cho người có công thì gia đình cũng được ban thưởng, hoặc nếu người anh hùng tử trận thì công lao ấy vẫn sẽ được trao đến gia đình chứ không hề bị quên đi. Thứ ba là ngoài việc bản thân và gia đình được ban thưởng thì dòng họ cũng được ban thưởng, vì "tam tích" ngoài việc nói đến số 3 thì cũng có nghĩa ám chỉ số nhiều, vậy ba chữ mạng "命" tức là ba ngôi nhà, tượng trưng cho dòng tộc họ hàng, hay thậm chí là xóm giềng, mà chuyện của thời phong kiến thì một người lập công lớn khiến cho cả dòng tộc được phong quan tiến chức là chẳng phải hiếm hoi gì. Ngoài ra, chữ mạng còn còn nghĩa là mệnh lệnh, vậy trong câu này ý nói là Vua truyền mệnh lệnh ban thưởng cho tận 3 lần. Đó là lý giải tại sao có chữ mạng "命" trong hào này để cho quý vị khỏi phải rơi vào vướng mắc, còn lại thì ta chỉ cần hiểu đơn giản "vương tam tích mạng" tức là được vua ban thưởng cho nhiều lần, hoặc là được ban thưởng rất hậu hĩnh, vậy là đủ rồi.


Tại sư trung, cát, vô cựu, vương tam tích mạng:

Tức là là việc tại quân ngũ giao cho người lãnh đạo có tài đức, ắt kết quả sẽ giành được thắng lợi tốt lành, không phạm phải tội lỗi hay sai lầm đáng tiếc nào, vì thế mà tất nhiên sẽ được ban thưởng cho rất hậu hĩnh.


Đọc hào này cứ ngỡ là lời khuyên dành cho người cầm quân, nhưng thực ra đây lại là lời khuyên dành cho người làm chủ, muốn đánh trận thắng phải biết chọn tướng tài cầm quân.


Ở hào sơ, Thánh Nhân đã đưa ra lời khuyên cho việc xuất binh, đến hào nhị là lời khuyên dành cho việc hành quân. Việc quân ngũ nhất định phải giao cho tướng tài thì mới tốt, mới không gây ra tai họa đáng tiếc, vì "thượng bất chính thì hạ tất loạn". Mà người chủ một khi đã trao chức vụ cho tướng soái cầm quân thì cũng phải trao quyền lực tuyệt đối cho họ, như câu "tại sư trung" còn có nghĩa là việc ở chiến trường thì mọi sự tại người cầm quân làm chủ, tức là chủ soái khi ở ngoài chiến trường phải được nắm quyền chỉ huy tuyệt đối, vì Vua ngồi ở kinh thành thì sao hiểu rõ tình hình bằng tướng soái đứng tại chiến sự được, có câu "việc quân ngũ đã dùng thì phải tin, đã không tin thì không dùng". Mà làm việc đại sự cần có ban thưởng, nếu không quần chúng lấy đâu động lực để chiến đấu, việc càng lớn thì ban thưởng phải càng lớn, chính vì vậy phải là "vương tam tích mạng", ban thưởng đến ba lần, ban thưởng thật hậu hĩnh, thưởng tiền tài, thưởng quyền tước, thưởng danh tiếng, thưởng cho cá nhân, thưởng cho gia đình, thưởng cho dòng tộc.


3. Hào Lục tam.


六 三.      師 或 輿 尸,凶。


Lục tam. Sư, hoặc dư thi, hung.


Sư: vừa có nghĩa là người lãnh đạo, cũng vừa có nghĩa là quần chúng.

Hoặc: đây là một từ chỉ sự nghi vấn, nghi hoặc, tương tự như các từ "nếu như", "có thể", "có lẽ"...

Dư: có nghĩa là cái xe, cũng có nghĩa là chuyên chở.

Thi: nghĩa là xác chết.

Dư thi: nghĩa là dùng xe mà chở xác về, ý nói tổn thất là rất lớn.

Hung: tức là xấu, không tốt, nguy hiểm.


Sư, hoặc dư thi, hung: nghĩa là người cầm quân đi đánh trận nếu như để cho tổn thất lớn xảy ra, như việc binh lính tử trận phải dùng xe để chở về, thì ắt kết cục là vô cùng thảm hại.


Ở hào này Thánh Nhân vẫn tiếp tục chỉ bàn đến cát hung chứ không nói đến thành bại. Bởi vì tổn thất lớn chưa chắc đã bại, mà tổn thất ít chưa chắc đã thành. Như trước đây vào thời kỳ Thế Chiến Thứ 2, Liên Xô tuy là đất nước thuộc về phe thắng trận nhưng lại là quốc gia có tổn thất nặng nề nhất về nhân mạng, khoảng 23 đến 27 triệu người chết. Vì vậy khi nói đến chuyện binh đao, Thánh Nhân chỉ muốn bàn đến kết cục, liệu thiên hạ có được thái bình hay không, chúng dân có phải gánh chịu nhiều bi ai hay không, còn chuyện thắng thua để thỏa cái tham dục tranh đấu của bọn thất phu chẳng đáng để bàn đến. 


Đạo lý ở hào này có lẽ là quá rõ ràng rồi, thiển nghĩ cũng chẳng cần phải giải thích thêm cho dài dòng. Vì chuyện nhân mạng tổn thất nặng nề, đó đương nhiên là chuyện xấu, đương nhiên là chuyện bi thương, đương nhiên chuyện hung hiểm.


Nhưng mà, tại sao hào này lại xấu như vậy? Bởi vì hào Lục Tam, Lục là hào âm, mà tam là vị trí dương, chứng tỏ hào này bất chính, hào ở vị trí bất chính thường ám chỉ cho kẻ có tài không xứng với địa vị, mà đã là vị trí tam thì đương nhiên bất trung. Một kẻ vừa bất trung lại bất chính, không có tài lại còn chẳng có tu dưỡng đạo đức thì làm sao có thể giao cho nó trọng trách cầm quân đánh trận được cơ chứ, khác nào là "giao trứng cho ác" đâu. Giao quân, trao quyền cho một kẻ như thế tất nhiên phải gánh lấy hậu quả vô cùng tồi tệ, đó là điều chẳng thể bàn cãi.


Như trong lịch sử của nước ta có một giai đoạn rất phù hợp để làm ví dụ cho hào này, đó chính là trận đánh cho quân Nguyên tan tác của nhà Trần, tướng giặc là Thoát Hoan phải trốn trong ống đồng để về nước.


Thoát Hoan có thể là một dũng tướng nhưng không bao giờ là một tướng tài, một kẻ khinh địch thì làm sao mà gọi là tướng tài được. Còn về phần đức hạnh thì có lẽ tên này bằng không, khi thua cuộc phải trốn vào ống đồng để về nước thì hoàn toàn không có khí chất của một bậc đại tướng thà chết không quay đầu. Quân đội Mông - Nguyên thì vô cùng hùng hậu, nhưng bởi vì quá xem thường Đại Việt, giao quân cho một tên tướng không đủ tài nên phải nhận lãnh một kết cục vô cùng bi thảm. Sau khi cuộc chiến kết thúc, quả thực Nhà Trần cho phép quân Nguyên đem xe qua mà chở xác về, chẳng khác hào Lục Tam một chút nào.


Cho nên những người lãnh đạo nếu như dám đưa quân cho kẻ bất tài quản lý thì cứ đợi kết cục bi thảm xảy ra là vừa.


4. Hào Lục tứ.


六 四.      師, 左 次,無 咎。


Lục tứ. Sư, tả thứ, vô cựu.


Tả: ngoài nghĩa là phía bên trái thì còn có nghĩa là hạ xuống, giáng xuống, lui xuống.

Thứ: là lui về sau.

Vô Cựu: là không phạm phải lỗi lầm đáng tiếc.


Sư, tả thứ, vô cựu: Tức là việc cầm quân mà biết nhìn thời thế, thấy nên rút lui thì rút lui, ắt cũng sẽ chẳng gây ra sai lầm đáng hối hận.


Nói một cách vui vẻ thì nghĩa hào này khá giống câu "trong 36 kế thì chạy là thượng sách" của  “Đàn Công 36 kế".


Cũng giống như bậc kỳ tài quân sự của nước ta là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, bởi biết rõ nếu như đem quân nhà Trần ra để đánh sòng phẳng với với quân Mông Nguyên thì chẳng khác gì đưa quân vào chỗ chết. Chính vì thế mà ông bày ra kế "vườn không nhà trống", rút hết dân quân lên núi trú ẩn, để lại chỉ còn là nhà trống vườn không mà thôi. 


Kẻ mạnh thì thích dùng sức, kẻ yếu thì nên biết dụng mưu.


Người ở chiến trường thân bất do kỷ, dưới tay tướng soái là hàng vạn sinh linh, mỗi một quyết định đều là lấy cốt nhục của thiên hạ mà đánh đổi.


Nếu nhìn thấy tình thể không thể thắng nổi thì nên quyết định lui quân để bảo toàn lực lượng, làm như thế mới mong tránh khỏi cảnh bị hao quân tổn tướng, không gây ra sai lầm đáng tiếc.


5. Hào Lục ngũ.


 六 五 : 田 有 禽 , 利 執 言 , 无 咎 . 長 子 帥 師 , 弟 子 輿 尸 , 貞 凶 .


Lục ngũ: Điền hữu cầm, lỵ chấp ngôn, vô cựu. Trưởng tử xuất sư, đệ tử dư thi, trinh hung.


Điền: là đất đai, ruộng đồng.

Hữu: là "có", như hiện hữu chẳng hạn.

Cầm: là những loài động vật rừng.

Lỵ: cũng là chữ "lợi", lợi ích, công dụng, có lợi có ích, cũng còn nghĩa khác là sắc nhọn, nhưng trong Kinh Dịch thì thông thường chúng ta chỉ sử dụng nghĩa "lợi ích".

Chấp: là bắt giữ, bắt sống.

Ngôn: là lời nói, hoạt động nói, mệnh lệnh.

Trưởng tử: ở đây phải hiểu là người có danh tiếng, có kinh nghiệm, là bậc tôn tưởng đức cao vọng trọng, chứ không phải hiểu là đứa con trưởng.

Xuất sư: một là xuất binh, hai là xuất tướng.

Đệ tử: ở đây phải hiểu là người còn non kinh nghiệm, tài đức chưa trau dồi vững vàng, chứ không phải hiểu là đứa học trò.

Dư thi: là lấy xe mà chở thây xác về.

Trinh: từ này chúng ta gặp xuyên suốt Kinh Dịch, có nghĩa là trinh chính, trung trinh tiết hạnh, giữ vững lòng mình không thay đổi. 

Hung: là điều không tốt, điều dữ, nguy hiểm, trái ngược với "cát".


Hào này gồm hai câu chuyện, kết hợp vào nhau để lý giải thông điệp mà Thánh Nhân gửi gắm. 


Câu chuyện thứ nhất, Điền hữu cầm, lỵ chấp ngôn, vô cựu.


Ở vùng đất nọ, có mảnh ruộng đồng của những người nông dân thiện lành, họ trồng hoa màu ở trên đó, ngày ngày chăm sóc vun bón rất tận tâm. Bỗng một hôm có đàn thú rừng kéo đến ăn uống giày xéo cánh đồng hoa màu của họ. Lúc này những người nông dân ấy bàn bạc, nói chuyện với nhau và đưa ra quyết định sẽ bắt những con thú rừng ấy để bảo vệ cánh đồng, vì đó là nơi sinh ra lợi ích cho họ từ biết bao công sức và mồ hôi. Bởi vì những con thú rừng đó đến và tàn phá mùa màng cho nên họ mới bắt chúng để bảo vệ hoa màu, chứ những người nông dân này không hề chủ động đi vào rừng để săn bắn giết hại chúng, vì thế cho nên đó là những việc chính đáng, chẳng phải tội lỗi gì.


Đối với chuyện của nhân loại cũng thế, việc dụng binh để chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước trước thế lực xâm lược là chính đáng. Dụng binh hay tranh đấu để bảo vệ quyền lợi, lợi ích bị kẻ khác xâm hại là chính đáng, chẳng có gì là tội lỗi cả. Nhưng mà dù sao thì chuyện binh đao, hay phàm là những chuyện tranh đấu trong thiên hạ đều là bất đắc dĩ mới phải dùng đến, chớ nên vì lòng tham mà tước đoạt, xâm chiếm lợi ích của người khác. Giống như những người nông dân vốn dĩ không có ý tham lam vào rừng săn thú, chỉ đến khi thú rừng tàn hại hoa màu của họ thì họ mới phản kháng để bảo vệ lợi ích của mình. Chỉ là chuyện ở thế gian này vốn dĩ chính là giống như những người nông dân trồng hoa màu kia vậy, không phải mình không có ý vào rừng săn bắn thì thú rừng nhất định sẽ không có ý xâm phạm mình. Tuy không có tâm hại người nhưng nhất định phải có tâm phòng người, muốn hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh. Chỉ là sự chuẩn bị ấy nhằm mục đích bảo đảm an toàn trước những rủi ro chứ không nhằm mục đích để chiếm đoạt quyền lợi của người khác bằng bạo quyền.


Câu chuyện thứ hai, Trưởng tử xuất sư, đệ tử dư thi, trinh hung.


Có một đất nước nhỏ liên miên bị xâm lược bởi các thế lực ngoại bang khát máu và tàn bạo, nhưng nhờ có sự chống đỡ của các bậc tướng lĩnh lão thành và tài ba ở biên cương nên mảnh giang sơn ấy vẫn được hưởng cảnh quốc thái dân an. Cho đến một ngày vị vua trẻ lên ngôi, cho rằng các bậc tướng lĩnh lão thành đã già rồi, nhất quyết thay thế họ bằng một thế hệ tướng lĩnh trẻ tuổi đầy nhiệt huyết cùng với tấm lòng ái quốc trung trinh. Nhưng chỉ sau một thời gian không lâu thì liên tiếp những tin báo thua trận được gửi về cho nhà vua trẻ, binh lính tử trận vô số, phải lấy xe mới chở nổi tử thi về, tưởng chừng là phải nước mất nhà tang. Cho đến khi các bậc lão thành lại xin vua được ra trận bảo vệ bờ cõi, khi này đường cũng đã cùng, thế cũng đã kẹt, nên vua ngoài chấp thuận phục chức quyền cho họ thì còn làm gì khác được nữa. Nhờ sự cầm quân lão luyện của các bậc lão tướng mà giang sơn đó cuối cùng cũng được bảo vệ, tuy tổn thất đã nhiều, biên thùy cũng mất đi không ít, nhưng vẫn chưa phải rơi vào cảnh vong quốc.


Việc quân sự chẳng phải là trò chơi, cầm quân đánh trận nhất định phải giao cho những bậc lão thành tài đức. Giao việc lớn như thế cho những đứa còn trẻ người non dạ thì chỉ có nước lấy xe mà chở xác binh lính về thôi, cho dù lý tưởng của bọn nó có đúng đắn trung trinh tiết hạnh đi chăng nữa thì cũng phải gánh lấy những chuyện vô cùng hung hiểm mà thôi. Có rất nhiều chuyện của thế gian này chỉ có "đức" thôi là chưa đủ, phải có "tài" và có cả kinh nghiệm được tích lũy từ bao lần đổ máu nữa mới đủ. Như một kẻ đứng trên núi cao lao mình xuống vực, chỉ ôm trong lòng một niềm tin sắt đá là bản thân có thể bay, còn lại chẳng có một cái dù hay thiết bị hỗ trợ nào, thì cũng chẳng thể vì niềm tin đó mà khiến cho kẻ đó thực sự bay lượn như chim được, kết cục chắc chắn là phải thịt nát xương tan thôi. 


Hào này mang hai đạo lý chính, thứ nhất là tấm lòng của Thánh Nhân trong việc dụng binh, chỉ nên để bảo vệ bờ cõi, chớ nên dụng binh để xâm lược mà gây ra ác nghiệp khiến sinh linh đồ thán. Thứ hai là việc binh vốn trọng đại, chỉ nên giao cho bậc lão thành dày dặn kinh nghiệm đảm nhiệm, chớ nên giao cho lũ trẻ người non dạ, cho dù lý tưởng của lũ trẻ có tốt đến đâu đi chăng nữa, nếu không thì ắt phải gánh lấy hậu quả vô cùng thê thảm.


Ngoài ra có một điểm đặc biệt quan trọng ở hào này, là chữ "chấp" tức là bắt giữ, bắt sống. Tại sao không phải là chữ "sát" tức là giết, giặc đến tàn hại cớ sao lại không giết mà lại bắt. Lẽ thông thường ở đời hễ có chiến tranh tất nhiên phe này phải tiêu diệt phe kia, nhưng mà Thánh Nhân vốn mang lòng từ bi, mong rằng nếu có thể bắt sống thì hãy bắt sống, nếu không nhất định phải giết thì đừng giết, ông trời còn có đức hiếu sinh, nếu như tha được thì hãy tha. Mạng người trân quý, mong sao thiên hạ hữu tình vì mình còn mẹ già con thơ mà cũng lưu tình cho kẻ khác cũng có mẹ già con thơ đợi ngày trở về cùng dùng bữa cơm. Hỡi ôi! chiến tranh có bao giờ là tốt đẹp, chiến tranh là tang tóc đau thương, chinh phụ vọng phu suốt một đời mà chàng có về đâu, con thơ nay đầu đã bạc mà còn chưa được một lần chạm mặt cha, lời hứa sẽ về ăn cùng mẹ chén cơm cũng ngàn lần lỗi hẹn, nếu có thể xin hãy tha cho nhau một mạng, công đức này nhất định trời đất sẽ khắc ghi.


6. Hào Thượng Lục.


上 六 .      大 君 有 命,開 國 承 家,小 人 勿 用。


Thượng Lục. Đại quân hữu mệnh, khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng.


Đại quân: tức là vua, người nguyên thủ.

Hữu: là có, sở hữu.

Mệnh: tức là tính mạng, tính mệnh, cũng có nghĩa là mệnh lệnh, lời sai khiến, bổ nhiệm, định đặt, chọn lấy. Nói chung đây là một từ có khá nhiều nghĩa, tùy vào hoàn cảnh mà định đặt cách hiểu khác nhau.

Khai quốc: tức là sáng lập quốc gia.

Thừa gia: tức là đảm đương việc nhà, đảm đương việc nước.

Tiểu nhân vật dụng: tức là đừng nên trọng dụng phường tiểu nhân.


Đại quân hữu mệnh, khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng: có nghĩa là người nguyên thủ sau khi đã thành công sáng nghiệp lập quốc, thì nên ban bố mệnh lệnh tưởng thưởng cho những bậc khai quốc công thần, nhưng đối với việc trị quốc an dân thì chớ nên sử dụng bọn tiểu nhân.



Dùng người trong lúc thái bình khác với dụng binh trong buổi biến loạn, trị quốc không giống với lập quốc. Trong thời buổi chiến tranh, chỉ cần là người tài, biết vâng phục mệnh lệnh thì đều có thể trọng dụng, một kẻ tiểu nhân cũng có thể lập nên công lớn. Như tướng Trần Khánh Dư ở thời nhà Trần chống quân Mông - Nguyên, vị tướng này đích thị là một nhân tài kiệt xuất, chỉ có điều nhân phẩm thì không được tốt, chính vì vậy mà lúc biến loạn được triều đình mời ra đánh giặc, nhiều lần lập công lớn, nhưng mà đến lúc thái bình thì lại bị đuổi về quê bán than, cho nên cũng chẳng thể gây ra tai họa gì cho quốc gia. Thuật dùng người ở thời nhà Trần quả thực là quá cao thâm, chỉ có điều đôi lúc ngẫm nghĩ cũng thấy có chỗ hài hước, có cần thiết phải dứt khoát tuyệt tình đến vậy không chứ, lúc cần thì nhờ người ta, nói lời yêu thương người ta, lúc hết cần thì đá đít người ta. Nhưng mà quý vị cứ thử tìm hiểu về cuộc đời của vị Tướng lắm tài nhiều tật này đi, sẽ thấy rằng chẳng oan uổng chút nào đâu.


Quay lại với nội dung, một kẻ tiểu nhân cũng có thể trở thành anh hùng trong thời loạn, nhưng trong thời bình cần trị quốc an dân thì lại không thể trọng dụng tiểu nhân. Vì trong việc binh thì tài năng quan trọng hơn đạo đức, chỉ cần có tài là có chỗ dùng được, nhưng trong việc trị quốc thì đức hạnh phải được ưu tiên xem xét hàng đầu. Một kẻ tiểu nhân mà lại còn có tài, đó là một mối họa tiềm tàng, một đứa ngu làm việc xấu thì cũng chỉ là những tai họa nhỏ mọn, nhưng một kẻ xấu thiên tài thì lại là chuyện khác, nếu như một kẻ vừa tiểu nhân vừa có tài lại còn nắm quyền lực trong tay thì giang sơn đó khó có thể yên bình nổi. Giống như Hồ Quý Ly khi xưa là một tay tiểu nhân rất lộ liễu, ai ai cũng biết, thế mà không hiểu tại sao vua Trần Nghệ Tông lại rất yêu thích và trọng dụng tên này. Và kết cục thì chắc ai ai cũng biết, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập ra nhà Hồ, đặt tên nước là Đại Ngu, cái tên nước ngu không thể tả, dẫu biết đại ngu có nghĩa là "yên vui, hòa bình lớn", nhưng mà thiếu cha gì những cái tên tương tự, như đại thịnh, đại cát, đại hưng, đại an,... cứ phải là Đại Ngu mới chịu, rồi ông này giỏi cái gì thì không biết chứ trị quốc thì đúng là ngu vãi, được 7 năm thì mất nước vào tay nhà Minh luôn, haiz....


Thế cho nên Thánh Nhân mới khuyên, khi đã lập quốc thì nên tưởng thưởng xứng đáng cho những bậc công thần khai quốc, nhưng trong việc trị quốc nhất định không được sử dụng tiểu nhân, cho dù kẻ đó có công lớn đến đâu đi nữa. Là người lãnh đạo, là người nguyên thủ thì phải rạch ròi quyết đoán, việc binh ra việc binh, việc dân ra việc dân, văn võ phải tách biệt rõ ràng.


Như nhà Trần chính vì biết dùng tiểu nhân trong hồi chiến loạn, quyết đoán tống cổ về quê khi thái bình, nên mới giữ được nền thịnh trị.


Nhưng cũng chính nhà Trần vì trọng dụng tiểu nhân vào việc trị quốc mà để mất nước. Ngẫm nghĩ lịch sử cũng có lắm chuyện hài hước, một triều đại thôi nhưng đủ cả khôn dại.


Đối với một nhà sáng lập thì cũng như thế. Dùng người trong buổi ban đầu lập nghiệp thì chỉ cần chú trọng ở tài năng, nhưng khi mọi thứ đã định hình ổn thỏa thì nhất định không được để cho một kẻ tiểu nhân nắm giữ những vị trí quan trọng, đặc biệt là những vị trí ảnh hưởng đến sự điều hành của tổ chức. Nếu không thì coi chừng miếng bánh vừa nướng chín chưa kịp ăn đã bị người ta cướp mất.


Kẻ làm đại sự không nhất thiết phải vô tình, nhưng công tư nhất định phải phân minh.


Tổng Luận


Những đạo lý như xuất binh cần phải có kỷ luật, khiển binh cần phải giao cho bậc tướng tài lão luyện, đối với công thần cần phải ban thưởng, không dùng kẻ tiểu nhân trong việc trị quốc, có lẽ chúng ta cũng không cần thiết phải bàn tới bàn lui làm gì. Nhưng ở quẻ này, quý vị thấy có điều gì đặc biệt không, đó là mỗi quái đều có nghĩa riêng biệt, một nghĩa về binh pháp và một nghĩa về đạo lý. Nghĩa về binh pháp thì dạy cách cầm quân, điều binh khiển tướng, còn nghĩa về đạo lý dạy ta biết cách dùng binh cho hợp lẽ trời.


Xưa nay chuyện chiến tranh biến loạn lúc nào cũng đi liền với bi thương, chỉ có những kẻ ác tâm bạo tàn mới thích dấy cuộc binh đao mà thôi. Thánh nhân chỉ mong sao, nếu nhất định phải chiến, thì cuộc chiến ấy hãy vì chính nghĩa, còn nếu không xin thiên hạ đừng dấy nên loạn lạc làm chi, thỏa mãn lòng tham một người mà bi thương giăng khắp thiên hạ, chuyện như vậy có đáng hay không.


Chỉ mong hậu nhân dùng những tinh hoa này cho cầm quân đánh trận ở thương trường, hay bất cứ lĩnh vực nào khác, còn đối với chiến tranh... chỉ hy vọng rằng đừng xảy ra.


Đoạn Hồng Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad