Post Top Ad

TẢN VĂN

HUYỀN HỌC

Phong Nguyệt Đàm

Post Top Ad

 Thuật tranh tụng

Đạo xử thế trong buổi thị phi

Tụng nghĩa là tranh giành

Người sống được như nghĩa quẻ Tụng, ắt cuộc đời chẳng sợ bị nguy khốn.

6


Quý vị thân mến! cuộc sống này thì có muôn vàn màu sắc, trong đó không thể tránh khỏi việc chúng ta đôi lúc phải vướn vào những hoàn cảnh tranh đấu thị phi. Mà đã là người trong thiên hạ, chân dẫm vào chốn hồng trần, làm sao mà thoát khỏi chuyện bị cuốn vào dòng chảy của thế sự. Nhưng thân đã vướn vào cõi này, lắm lúc thị phi tìm đến thì ta phải làm sao để giữ cho mình được bình an vô sự, xử thế bằng cách nào cho khỏi phải chuốc lấy sai lầm, khỏi phải chuốc lấy tai họa, khỏi phải chuốc lấy tội lỗi. Mời quý vị cùng đến với nội dung xử thế của quẻ Thiên Thủy Tụng để tìm ra lời giải đáp nhé!





1. Hào  Sơ Lục.


初 六.      不 永 所 事,小 有 言,終 吉。


Sơ Lục. Bất vĩnh sở sự. Tiểu hữu ngôn. Chung cát.


Bất vĩnh sở sự: tức là chẳng có tài cán gì cả.

Tiểu hữu ngôn: tức là lời thì thầm nhỏ to, lời ra tiếng vào, lời thị phi nói xấu.

Chung cát: tức là chung cuộc được tốt đẹp.


Hào Sơ Lục này giống như một người chẳng có tài cán gì cả, cũng không có quyền lực, nhưng lại không phải loại ngu si thích làm càn. Hào Sơ Lục là loại người tuy không có năng lực nhưng lại ngoan ngoãn, biết tu thân dưỡng tánh, biết nghe theo đạo của thánh hiền. Chính vì vậy mà khi gặp phải việc tranh tụng liên quan đến lợi ích thì Sơ Lục sẽ nhờ vào luật pháp, nhờ vào thế lực hành pháp, hoặc nhờ những người có thẩm quyền để giải quyết vấn đề, chứ bản thân mình không cần dấn thân vào cãi cọ tranh chấp làm gì. Còn nếu việc tranh tụng nhỏ nhặt chẳng ảnh hưởng gì đến lợi ích của mình, chỉ là mấy lời hơn thua chửi bới, tranh cãi vô bổ, thì Sơ Lục sẽ mặc kệ, cùng lắm thì mình thua 1 cuộc cãi vã thôi chứ chẳng có gì to tát. Có chăng là thiệt thòi đôi chút thị phi, suy cho cùng năm tháng cũng rửa sạch dơ dáy của tiếng đời mà thôi, bản thân không bận lòng thì cũng chẳng hại gì cho mình. Nên cuối cùng chung cuộc Sơ Lục cũng được hưởng kết quả tốt lành. Như một chú chó nhỏ mặc kệ tiếng sủa của bầy chó hoang ngoài đường, cứ bình thản đi bên cạnh chủ nhân của mình, đến cuối cùng cũng về đến nhà, được ăn no ngủ ấm, chẳng sợ bão giông.


Làm người, đâu phải ai ai cũng rập một khuôn, tài năng thiên hạ đâu phải chỉ có một màu giống nhau, có người cao có người thấp, cũng có kẻ xuất chúng có người rất bình thường. Nhưng không phải cứ cao là tốt cứ thấp là dỡ, cứ tài năng vượt trội là hay còn bình bình thường thường là xấu. Có tài mà không biết xử thế thì cũng nguy khốn thôi. Như Hạng Vũ, tài năng có ai mà dám không công nhận, nhưng cuối cùng cũng chết một cách vô cùng đáng tiếc, chẳng phải bởi vì con mắt nhìn đời quá hẹp, cái tôi quá cao, xử thế quá tệ đó hay sao. 


Đừng tưởng một người bình bình thường thường thì ắt phải sống một đời gian nan. Cũng đừng tưởng một người nhìn rất bình thường đó mà lại là kẻ tầm thường, nên nhớ cao nhân thường ẩn mình, người giỏi khéo che thân. Chỉ cần cái tài biết nhẫn nhịn, biết nhịn trước lũ ngu, biết nhịn trước những tranh chấp vô bổ, đó đã là kỳ tài rồi. Chữ nhịn nói thì dễ, nhưng nhịn được thì chẳng phải là dễ dàng. Không phải người có tu dưỡng thâm sâu thì làm sao đủ bình tĩnh mà mặc kệ thị phi của hồng trần.


Làm người, chính là nên học đạo đức của hào Sơ Lục này, nếu biết bản thân chẳng thể là kẻ thắng cuộc trong tranh đấu, vậy thì đừng tranh giành làm gì. Bất quá thì bị thiệt thòi đôi chút danh dự mọn mằn, cũng chẳng phải to tát gì, nhưng chung cuộc lại được bình an, tốt lành.


2. Hào  Cửu nhị.


九 二.      不 克 訟,歸 而 逋,其 邑 人 三 百 戶,無 眚。


Cửu nhị. Bất khắc tụng, quy nhi bô, kỳ ấp nhân tam bách hộ, vô sảnh.


Bất khắc tụng: nghĩa là chẳng thể nào tranh tụng nổi, chẳng thể thắng trong việc tranh tụng.

Quy nhi bô: nghĩa là thoái lui, lui về để tránh né. Quy là lui về, quay về, thoái lui. Bô là trốn tránh, tránh né.

Kỳ ấp nhân tam bách hộ: nghĩa là ở trong xóm, trong ấp chỉ có 300 hộ dân.

Vô sảnh: tức là không phạm sai lầm.


Hào Cửu Nhị này là một người có tài năng, có thế lực, nhưng lại đụng phải đối thủ còn có thế lực mạnh hơn mình, nên chẳng thể nào thắng nổi. Bởi vì bản thân vốn dĩ là một người có tài, có tu dưỡng,nhìn thấy tình thế bất lợi như vậy, biết chẳng thể hơn thua, nên Cửu Nhị quyết định thoái lui để né tránh cuộc tranh đấu này. Mặc dù quay về nơi của mình cũng chỉ có 300 hộ dân, tuy không quá sung túc, không quá thịnh vượng, nhưng cuối cùng lại có thể bình an, không phạm phải sai lầm đáng tiếc.


Xưa kia vào thời Hậu Lê của nước ta, Trịnh - Nguyễn phân tranh, nhà Lê lúc này chỉ còn là hư danh, chỉ có tiếng chứ không có miếng nên chẳng làm gì được. Thế lực nhà Trịnh khi này rất mạnh, nhà Nguyễn chẳng thể đấu đá nổi. Vua Nguyễn mới sai người đi tìm Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin lời khuyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm tặng cho một câu thế này "Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân", đại khái thì ý của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là hãy để Bắc Hà lại cho nhà Trịnh đi, có đấu cũng không đấu nổi đâu, một dải đất phía bên trong đèo ngang kia, tuy không sung túc gì nhưng có thể dung thân được. Và quả thực nhà Nguyễn đã làm như thế, nhờ vậy mà tránh được họa bị diệt môn, tạo tiền đề cho Gia Long - Nguyễn Phúc Ánh thống nhất giang sơn sau này.


Núi cao còn có núi khác cao hơn, sông lớn cũng còn nhỏ hơn biển cả, đạo lý này chắc chúng ta cũng chẳng lạ lẫm gì. Đôi khi nhân tình chính là rất trêu người, đưa kẻ có tài này gặp phải một đối thủ còn tài hơn, mình có thế lực thì gặp thế lực của họ còn lớn hơn. Kẻ không đủ bình tĩnh, không đủ tu dưỡng nội hàm bên trong thì ắt sẽ như Chu Du năm nào phải thốt lên trong đau xót "trời đã sinh Du cớ sao còn sinh Lượng". Kẻ tu dưỡng thâm sâu thì sẽ như Tư Mã Ý khi xưa bị Da Cát Lượng gửi cho bộ đồ đàn bà, với ý sỉ nhục ông là đồ đàn bà nhát chết không dám ra đấu, khi này Tư Mã Ý mặc kệ chả thèm quan tâm, vì ông biết lúc này có đấu cũng không thắng nổi Khổng Minh, vậy đã biết không thắng thì còn đấu làm gì, cứ ẩn nhẫn thoái lui mà lại an toàn, kích động rơi vào cái bẫy khích tướng của Khổng Minh thì khi ấy chẳng phải quá ngu sao.


Gặp phải đối thủ lợi hại hơn mình, biết chẳng thể giành thắng lợi, kẻ khôn ngoan chính là lựa chọn quay về ẩn nhẫn, chờ đợi thời thế, chẳng nên vội vàng đấu đá làm gì. Tuy không giành được lợi ích, thậm chí còn phải chịu thiệt thòi, nhưng ít ra giữ được cho mình bình an, không phạm phải sai lầm đáng tiếc. Nhà Nguyễn chính vì biết ẩn nhẫn mà sau này lấy cả giang sơn nước Việt trong tay, nhà Tư Mã chính vì biết ẩn nhẫn mà sau này cũng nắm lấy sơn hà Trung Hoa trong tay. Nếu khi xưa nhà Nguyễn đấu tới cùng với Trịnh thì có khi cả tộc bị diệt sạch rồi, nếu khi xưa Tư Mã Ý vì sĩ diện mà thể hiện lộ liễu tài năng, bộc phát tham vọng tranh đấu với nhà Tào Ngụy thì chắc là đã bị Tào Tháo diệt cả tộc từ lâu, làm gì có cơ hội làm mưa làm gió sau này.


3. Hào  Lục tam.


六 三.      食 舊 德,貞 厲,終 吉,或 從 王 事,無 成。


Lục tam. Thực cựu đức, trinh, lệ, chung cát. Hoặc tòng vương sự, vô thành.


Thực cựu đức: tức là hưởng nhờ phước phần từ cái đức đã gầy dựng trước đây, hưởng phước từ bậc tiền nhân. Thực là ăn, là hưởng phần. Cựu tức là xưa cũ.

Trinh: là giữ vững tâm niệm, ý chí như thuở ban đầu. Trinh: là trong sạch, chính nghĩa.

Lệ: tức là lo âu, lo lắng, sợ sệt.

Chung cát: tức là kết quả chung cuộc sẽ được tốt lành.

Hoặc tòng vương sự: tức là có thể sẽ phải đi theo phụng sự làm việc với người có quyền lực cao hơn mình.

Vô thành: tức là không thành công.


Hào Lục Tam là loại người vốn dĩ được hưởng phúc đức từ dòng tộc, hưởng phước phần từ tiền nhân để lại, thế nên mặc dù hiện tại Lục Tam chẳng phải là người có tài cán gì nhưng vẫn được hưởng cuộc sống trung lưu. Nếu là thời phong kiến thì Lục Tam cũng có địa vị Công - Hầu - Khanh - Tướng, nếu không thì cũng có chức quan, còn xét ở trong một công ty thì Lục Tam tựa như những người quản lý cấp thấp như trưởng phòng, tổ trưởng chẳng hạn. Dù bản thân tuy cũng có địa vị, nhưng chỗ đứng đó không có được nhờ tài năng mà nhờ vào việc hưởng phước phần của trước đây, hoặc hưởng phước phần từ tiền nhân. Như việc cha ông của Lục Tam trước đây đã có công lớn, nên bây giờ Lục Tam cũng được hưởng vinh hoa ấy từ cha ông của mình, hoặc bản thân nhờ được sự tiến cử của tiền bối mà được ưu ái. Mà người được hưởng cái phước phần may mắn như thế thì ắt bản thân cũng tích không ít công đức trong tiền kiếp. Có điều, vì bản thân không có tài cán gì, đã thế lại còn ở địa vị mà tài năng của mình không xứng với nó nữa, thế cho nên muốn được tốt lành thì tốt nhất nên an phận thủ thường, đừng dại dột tranh đấu gì với ai, ai tranh với ai cứ mặc kệ họ chớ nên để bản thân bị cuốn vào vòng thị phi. Phải giữ cho lòng mình được trinh chính, chớ dính dáng gì đến những mối làm ăn có mùi ám muội, phải luôn cẩn thận cứ như là lo sợ điều gì đó vậy, vì hoàn cảnh của mình chính là nguy hiểm bủa vây, xung quanh toàn rặt một lũ lúc nào cũng ngứa ngáy thích tranh đấu kiện tụng. Nếu mình không cẩn thận thì ắt sẽ bị cuốn vào thị phi, mà mình vốn bất tài, tranh đấu chẳng lại thế gian đâu, một khi bị cuốn vào thị phi thì cửa thắng là không có. Cho nên nếu như biết giữ lòng trinh chính ngay thẳng, cẩn thận lo sợ bản thân phạm phải sai lầm, an phận thủ thường hưởng lấy những phúc phần mà hiện tại mình có, thì kết cục vậy mà lại được tốt lành.


Nhưng mà đã là thời thế nhiễu nhương, lòng người đố kỵ, thích tranh tụng đấu đá nhau, thì dù cho mình an phận nhưng chắc gì thiên hạ đã buông tha cho mình. Vì thế Thánh Nhân mới thêm vào câu "Hoặc tòng vương sự, vô thành". Tức là có thể sẽ bị người có quyền thế cao hơn tới ép mình đi tranh đấu kiện tụng với họ, nếu rơi vào tình huống như thế thật sự chẳng thể thành công được. Cho dù có là hùa theo thế lực để tranh đấu thì khả năng của mình vẫn là không thể thành công, thậm chí có thể bản thân còn trở thành bia đỡ đạn cho người khác. Mà một khi thất bại trong tranh đấu thì cái cơ hội được an phận thủ thường hưởng phúc ấm của cha ông có khi cũng chẳng còn.


Thế cho nên người ở vào hoàn cảnh như hào Lục Tam, biết mình không có tài cán nhưng nhờ sản nghiệp của cha ông, hay nhờ có công lao từ trưởng bối mà được hưởng vinh hoa, thì tốt nhất là nên biết an phận thủ thường, chớ dại dột đi hơn thua đấu đá với ai làm gì, dù có người tới rủ rê lôi kéo thì cũng cố gắng khước từ, vì chắc chắn kết quả chẳng thể thành công được. Biết xử thế được như vậy thì tất cuối cùng sẽ được hưởng phước lành, an yên.


4. Hào Cửu tứ.


九 四.      不 克 訟,復 自 命,渝 安 貞,吉。


Cửu tứ. Bất khắc tụng. Phục tức mệnh. Du an trinh, cát.


Bất khắc tụng: tức là chẳng thể kiện tụng nổi ai.

Phục tức mệnh: tức là nghe theo vận mệnh, nhận lấy sứ mệnh, lắng nghe mệnh trời.

Du an trinh, cát: tức là biến đổi tâm tính, biến đổi khí chất của mình trở nên an yên trinh chính, được như thế thì kết quả sẽ tốt lành. Du nghĩa là biến đổi, thay đổi.


Hào Cửu Tứ này là một đứa tính tình nóng nảy, ít tu dưỡng mà lại còn có chí hướng bất chính. Một đứa như thế mà ở vào thời buổi thị phi vây kín, tranh đấu khắp nơi, thì ắt nó sẽ bị cuốn vào vòng quay tranh tụng mà thôi. Một kẻ tài không cao, bản tính lại còn láo nháo chộp giựt, thì làm gì có tài cán mà tranh tụng với ai. Đã không có bản lĩnh tranh tụng rồi mà lại còn thích hơn thua, ắt kết cục của Cửu Tứ chẳng có gì tốt đẹp. Nhưng như thế thì quá bình thường, còn gì là Dịch học tinh hoa mà chúng ta muốn tìm hiểu nữa. Chuyện mà một đứa lanh chanh lóc chóc, rơi vào hoàn cảnh tranh đấu thị phi thì phải chịu kết cục bi thảm là chuyện quá hiển nhiên, cần gì phải mất thời gian học Kinh Dịch để làm gì?, chuyện đó thì ai chẳng biết chứ!. Vấn đề ở chỗ chính là một đứa như hào Cửu Tứ ở trong hoàn cảnh thị phi như quẻ Tụng, nhưng kết cục vẫn nhận được chữ cát, vẫn tốt lành, đó mới gọi là tinh hoa của Dịch học. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn vẫn đưa cho con người ta một giải pháp, một hướng đi để đến được với kết quả tốt đẹp, đó mới là ý nghĩa chân chính của việc học Kinh Dịch. Vậy làm thế nào mà một đứa tưởng chừng như bất tài là Cửu Tứ mà lại được kết quả tốt đẹp trong hoàn cảnh không được sáng sủa như thế này.


Bí quyết chính là nằm ở 2 câu "Phục tức mệnh. Du an trinh":

Lắng nghe mệnh trời, thay đổi bản tâm, 

An yên trinh chính một lòng,

Dẫu cho bão tố vẫn thành trong xanh.


Cửu tứ tuy tính tình nóng nảy, thiếu sự tu dưỡng nội tâm, nhưng mà nó cũng chẳng phải là một đứa bị điên hay ngu xuẩn tới mức độ không nhận ra bản thân chẳng thể tranh tụng nổi với ai. Chính vì thế nó quyết định bình tâm lại để lắng nghe chính mình, lắng nghe mệnh trời. Bất kỳ ai cũng đều có cho mình một sứ mệnh, mà mệnh trời ban ắt phải là con đường trinh chính. Bản thân Cửu Tứ trước đây nóng nảy, thiếu nội hàm, nhưng không có nghĩa hiện tại nó nhất định vẫn như thế và tương lai nó không thể trở nên một bậc thâm sâu trí tuệ. Một trong những sự công bằng ở thế gian này chính là bất cứ ai cũng có quyền bắt đầu tu dưỡng nội tâm của chính mình, bất kể đó là độ tuổi nào, bất kể quá khứ của kẻ đó ra sao. "Buông hạ đồ đao, lập địa thành Phật", không phải kẻ từng cầm đao đồ sát thì nhất định vĩnh viễn không có quyền bỏ xuống quá khứ để tu hành. 


Chính vì bình tâm hạ khí, lắng nghe mệnh trời, tu thân dưỡng tánh, tu tâm dưỡng thần, mà Cửu Tứ đã biến đổi khí chất của mình, đi theo con đường của chánh đạo, yên ả trong tâm, trinh chính trong xác thân. Từ một kẻ tưởng chừng không ra gì mà nay lột xác thành một bậc giác ngộ thanh cao, kết cục ắt được tốt lành.


Trong thời thị phi, nếu như đã biết mình chẳng thể tranh đấu nổi với thiên hạ, thì dại gì mà lao ra tranh đấu làm gì. Nếu bản tính của mình vẫn hiếu chiến quá thì phải cố gắng tu dưỡng để áp chế nó đi. Tu tuyện cho nội tâm mình được thâm sâu trầm tĩnh, thì mọi chuyện tự nhiên cũng trở thành bình yên. Có những sự bình yên thuộc về ngoại cảnh, nhưng cũng có một sự bình yên thuộc về cảnh giới nội tâm. Ta không chắc có thể thắng được hoàn cảnh, nhưng tu dưỡng nội tâm trở nên mạnh mẽ thì hoàn toàn là có thể. Khi tâm ta trong lành, làn khói đen trước mặt cũng hóa thành mây ngũ sắc, Khi tâm ta dơ bẩn, nhìn thấy mây ngũ sắc cũng tưởng nó là làn khói đen. Thế gian này có những chuyện, tốt hay xấu lại nằm ở trong lòng ta chứ không nằm ở trong tay ta, cát hay hung là ở chỗ ta cảm nhận chứ không phải ở khi ta hành sự.


Hào Cử Tứ. Bất khắc tụng. Phục tức mệnh. Du an trinh, cát.

Đã biết chẳng thể tranh đấu với thiện hạ, chi bằng quay về phục mệnh trời, tu thân tâm cho được an trinh, kết quả tất được tốt lành thôi.


5.  Hào Cửu ngũ.


九 五.    訟 元 吉。


 Cửu ngũ. Tụng, nguyên cát.


Tụng: là tranh tụng, tranh kiện, kiện tụng, cãi vã, tranh giành nhau.

Nguyên: là bản thể ban đầu, phiên bản gốc, như từ "bản nguyên", hay "nguyên vẹn" chẳng hạn. Nguyên cũng có nghĩa là to lớn, cái gốc to lớn.

Nguyên cát: tức là tốt lành rất lớn, hoặc nhờ sự liêm khiết không bị vấy bẩn mà được tốt lành.


Hào Cửu Ngũ này là một người thực sự quá ngầu, trong thời tụng mà mình không tránh không né, dứt khoát tụng luôn, vậy mà lại còn được tốt lành lớn nữa chứ! 


Nếu ai có biết qua nhân vật Bao Công - Bao Thanh Thiên, thì sẽ rất dễ dàng hình dung ra ý tứ của hào này.


Cái hoàn cảnh tranh đấu kiện tụng lúc nào cũng là nét thị phi của hồng trần, đã là chốn thị phi rồi mà lại lao vào làm việc thị phi thì có khác gì đang chiến loạn mà mình dứt khoát nhảy vào giữa cuộc binh đao đâu. Nguy hiểm trùng trùng, đáng lẽ ra phải tai họa ngập đầu mới phải, cớ sao lại được tốt lành lớn như Cửu Ngũ cơ chứ!


Đó chính là nằm ở bản lĩnh và địa vị của Cửu Ngũ, Cửu Ngũ chính là người giữ địa vị chí tôn, trong một nước thì chính là người nguyên thủ, vậy trong thời Tụng thì chẳng phải chính là vị thẩm phán tối cao đó sao. Mà Cửu Ngũ cũng là một người có thực tài chứ không phải là kẻ chỉ có hư danh. Bản tính của Cửu Ngũ thì cương trực, không thỏa thuận với điều sai trái, tu thân đạo đức cũng thâm sâu. Một người như vậy nếu ở thế yếu ắt sẽ phải bị lũ tiểu nhân hại đến táng mạng, vì tính quá cương trực thì khó mà mềm dẻo để thuận theo thời thế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bọn tiểu nhân thì sao mà chúng nó có thể bỏ qua cho được. Nhưng Cửu Ngũ thì quyền lực tối cao nắm trong tay, nên lại trở thành như một vị thần linh ở giữa cõi trần, phán xét công minh, không thế lực nào có thể mua chuộc được. Trong thời đại lắm điều thị phi tranh tụng như quẻ Tụng mà lại có một vị minh chủ tài đức được như Cửu Ngũ, thì khác gì bóng đêm được soi dọi bởi ánh sáng mặt trời. Người lương thiện oan khuất tất sẽ được minh oan, kẻ tội lỗi ắt phải gánh lấy trừng phạt, người công chính được yên ổn hạnh phúc chẳng phải lo âu, vì mọi chuyện đúng sai đã có bậc minh triết như Cửu Ngũ đứng ra phán xử công bằng.


Bởi vì là quẻ Tụng, nên khó tránh khỏi sẽ có người cho rằng chữ Tụng trong hào này ý nói rằng Cửu Ngũ vì có tài nên đi tranh tụng thắng người ta, cho nên được cát. Đó cũng có thể xem như là một cách hiểu nhưng ý nghĩa tinh hoa thực sự lại không phải như vậy, việc tụng của Cửu Ngũ không phải là đi tranh với người mà là làm chủ trì cho cuộc tranh tụng, đóng vai trò của một bậc phán xử. Địa vị như Cửu Ngũ mà lại phải đi tranh tụng với người khác, chẳng phải buồn cười lắm hay sao, không trở thành trò cười cho thiên hạ đã là may lắm rồi, làm gì có chuyện được tốt lành to lớn cơ chứ. Đã là người học Dịch, phải nhớ rằng đừng để cho bản thân bị trói buộc vào sự giới hạn của câu từ, xét đạo lý chứ đừng xét từng li từng tí chữ nghĩa.


Hào này có hai ý chính, thứ nhất là trong thời buổi thị phi nhiễu nhương, người làm lãnh đạo mà giữ được đạo công bình chí công vô tư, có tài cương minh chính trực không bị thế lực tà đạo mua chuộc, đứng ra phán xử đúng sai cho thiên hạ, giải oan cho kẻ oan khuất, trừng trị lũ tội đồ, thì ắt sẽ tạo nên một thời thái bình, dù cho đang ở giữa thời cuộc thị phi giăng kín. Người có tài đức làm nên chuyện như thế ắt sẽ nhận được kết cục tốt lành vô cùng to lớn.


Thứ 2 là, nếu người đang sống trong thời buổi oan khuất ngập trời, tranh tụng đấu đá khắp nơi mà gặp được bậc tài đức như Cửu Ngũ đứng ra làm chủ thì ắt sẽ được hưởng hạnh phúc thịnh trị dài lâu. Vì triều đại của một bậc lãnh đạo đức hạnh cương minh như thế tất nhiên sẽ đem lại cho dân chúng thái bình.


6. Hào Thượng Cửu.


上 九.      或 錫 之 鞶 帶,終 朝 三 褫 之。


Thượng Cửu. Hoặc tích chi bàn đái, chung triệu tam trị chi.


Tích: nghĩa là ban cho, ban thưởng.

Bàn đái: là dây đai của người làm quan, xưa kia bên Trung Hoa những được phong quan thì họ cũng được ban cho một cái đai có kích thước và màu sắc tượng trưng cho cấp bậc chức quan của họ.

Chung triệu: là khoảng một buổi sáng, buổi sớm mai.

Trị: nghĩa là cướp lột.


Trước tiên chúng ta nói sơ lược qua về nghĩa đen của hào này: Hoặc tích chi bàn đái, chung triệu tam trị chi. Tức là mặc dù phong thưởng cho áo mão cân đai, nhưng rồi một sớm mai thôi cũng bị lột ra, mà lột đến tận ba lần.


Có thể nói Thượng Cửu chính là phiên bản xấu xa của Cửu Ngũ.


Hào này chính là tượng trưng cho những kẻ tiểu nhân, lợi dụng thời thế thị phi mà bày mưu tính kế để hòng trục lợi cho bản thân, bất chấp đạo đức, mặc kệ nhân nghĩa. Chính những kẻ như thế này mới khiến cho thời đại đã loạn càng thêm loạn. Mặc dù nhờ sử dụng mưu hèn kế bẩn thỉu mà đem về cho bản thân nhiều tiền tài, chức tước. Nhưng mà, rồi một sớm mai mọi thứ giành giựt được cũng bị lột sạch mà thôi. Kẻ đê hèn rồi phải nhận lấy kết cục đê hèn.


Nếu quý vị thường hay quan tâm đến thời sự thì chắc cũng nhìn thấy nghĩa của hào Thượng Cửu này đã và đang liên tục diễn ra trong nước ta và cả ngoài thế giới, những kẻ leo lên cao nhờ sự đê hèn tội lỗi dần dần bị lột sạch quyền lực, nhục nhã mà rời bỏ vị trí đã bao phen dùng đủ mưu hèn kế bẩn mà tranh giành. Nhưng Đoạn Hồng Trần tôi xin phép không nói rõ ràng ra làm gì, vì mục đích của tôi là gửi đến quý vị tri thức, còn thời thế thì quý vị hãy dựa vào tri thức của mình mà xem xét. Nói ra ở đây có khi lại rước về kết cục không tốt đẹp cho kênh, mong quý vị thông cảm.


Bù lại thì Đoạn Hồng Trần xin gửi đến quý vị một ví dụ hoàn toàn chuẩn xác cho nghĩa của hào này, đó chính là câu chuyện của Hòa Thân, một tên tham quan khét tiếng thời Càn Long.


Hòa Thân, nếu nói tên này không có tài thì không phải, nhưng tên này quả thực rất tiểu nhân. Dùng đủ chiêu trò, bày mưu tính kế, nịnh nọt lòn cuối để lấy lòng cho bằng được Càn Long. Sau khi được Càn Long tín nhiệm thì bắt đầu lợi dụng chức vụ của mình mà hãm hại trung thần, tham ô đút vào túi riêng khối tài sản khổng lồ. Mà trùng hợp thay, cách mà tên Hòa Thân này trục lợi cũng chính là cách Tụng. Hòa Thân chính là dựa vào những lần bắt bớt, kiện tụng, điều tra những tên tham quan khác mà đút túi riêng, cũng lợi dụng những lúc tranh tụng mà tham ô. Tưởng chừng như bản thân vinh hoa phú quý rồi, ai ngờ cuối cùng cũng chỉ là con gà được nuôi béo. Đến thời của Gia Khánh, tức là con trai của Càn Long kế ngôi, thì ra lệnh bắt và tịch thu hết toàn bộ gia sản của Hòa Thân. Tuy được tha chết, nhưng cuối cùng cả đời âm mưu quỷ kế tích góp tài sản, giờ đây chẳng phải chính là mất sạch hay sao, chính là một sớm mai bị lột sạch ba lần, lột sạch quyền tước, lột sạch tiền tài, lột sạch danh dự. Cuộc đời tham ô của tên Hòa Thân này hoàn toàn giống hệt nghĩa của hào Thượng Cửu. Chẳng biết phải cảm thán Dịch học quá tinh diệu, hay là tên Hòa Thân vốn dĩ là hào Thượng Cửu quẻ Tụng chuyển sinh nữa đây. 


Một người hiểu thấu tinh hoa của Dịch lý, biết mình ở trong hoàn cảnh của thời Tụng, hiểu rõ bản thân tài đức thế nào, biết thời biết mình mà né tránh không làm những chuyện dơ bẩn như Thượng Cửu, thì ắt cũng chẳng phải gánh lấy tai họa.


Nếu Thượng Cửu này mà biết hồi đầu tu thân như Cửu Tứ, thì đâu phải gánh lấy kết cục như vậy, đôi khi thành hay bại tốt hay xấu lại không nằm ở hoàn cảnh mà là ở lựa chọn của chính bản thân ta. Tài của Cửu Tứ nếu so sánh với Thượng Cửu có lẽ cũng còn thua kém vài phần, nhưng vì chọn đúng con đường mà Tứ được hưởng kết cục tốt lành. Thế mới thấy "có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần" (Truyện Kiều - Nguyễn Du). 


Tổng Luận


Chiêm nghiệm suốt quẻ Tụng, ta nhận ra một điều là thị phi thì mặc thị phi, 6 hào cũng chỉ có Thượng Cửu là nhận lãnh kết cục cay đắng mà thôi.


Không có năng lực tranh đấu như Sơ Lục, lại chính vì không tranh với người nên được hưởng an lành. Thế mới thấy đừng tưởng rằng có sức tranh giành với người thì mới là tài, thì mới là giỏi. Không tranh mới chính là bản lĩnh thâm sâu của cao thủ chân chính, có kẻ để luyện được cảnh giới không tranh thì phải mất cả đời, không tranh chính là đang tranh đấu với dục vọng của chính mình, không tranh chính là đang chiến đấu với lòng tham của bản thân. Nhìn bên ngoài tưởng chừng như người ta hèn nhát, nhưng thực sự bên trong là một nội tâm vô cùng mạnh mẽ. Đã biết chẳng thể thắng mà vẫn cố tranh giành, vậy thì đó là bản lĩnh hay ngu ngốc đây, đánh đổi thời gian và tâm sức để đổi lấy kết quả đã biết trước sẽ thất bại vậy mà vẫn cắm đầu lao vào, chỉ có kẻ ngu ngốc mới làm như thế.


Giống như hào Cửu Nhị, biết bản thân chẳng thể nào thắng nổi, nên quyết định rút lui, bảo toàn lực lượng, chờ đợi một ngày gió đổi chiều thì lửa lại bùng lên. Nhờ vậy mà thoát khỏi một cơn biến loạn, giữ mình được bình an.


Lục Tam cũng thế, vì biết an phận thủ thường, chẳng thèm manh động đấu đá mà được hưởng phước lành.


Nhưng cao thủ nhất trong quẻ này phải là Cửu Tứ, tại sao là Cửu Tứ chứ không phải Cửu Ngũ? Bởi vì Cửu Ngũ là kẻ đủ cả tài đức, lại còn có thế lực, quyền lực, một người có quyền lực mà lại còn có tài kinh bang tế thế thì làm nên chuyện lớn cũng chẳng có gì lạ. Nhưng Cửu Tứ thì vốn dĩ là một phường tâm địa hạ lưu, tưởng chừng sẽ lao vào xâu xé thiên hạ trong thời thị phi tranh đấu này, có ngờ đâu lại quay đầu hướng về chánh đạo, tu luyện thân tâm, trở thành một bậc trí tuệ, nhờ đó mà được hưởng an lành. Bỏ sáng theo tối thì dễ lắm, nhưng bỏ tối theo sáng thì không đơn giản đâu, như việc bạn đi từ chỗ sáng vào chỗ tối thì bạn sẽ không cảm thấy khó chịu, nhưng khi bạn đột ngột bước từ trong tối ra sáng thì sẽ rất chói mắt. Người đã quen với việc trục lợi cho bản thân, nay lại bỏ mặc tư lợi không màn đến, khác gì một kẻ quen hút thuốc nay lại không có thuốc để hút, quả thực là rất khó chịu. Có câu "nhất niệm thành Phật, nhất niệm thành Ma" nhưng cái Nhất Niệm đó không đơn giản nói đổi là thay đổi được, cần phải biết bao quyết tâm, biết bao nỗ lực mới chuyển dời được tâm ý của chính mình. Việc khó như thế mà Cửu Tứ cũng làm được, quả thực là cao thủ.


Cửu Ngũ thực sự quá hoàn hảo, cũng chẳng có gì nhiều để bàn cùng quý vị, có chăng là ước mong sao thời đại nào cũng sẽ xuất hiện bậc minh chủ như Cửu Ngũ, thế thì dân chúng sẽ vui mừng hạnh phúc biết bao, chẳng còn những nỗi oan khuất thấu trời.


Thế mới thấy, thị phi cũng không quá đáng sợ, ta đừng để mình bị cuốn vào vòng xoáy của nó, thì chẳng lo bị nó làm bản thân phải nguy khốn. Chỉ có đứa tham lam như Thượng Cửu thì mới tự chuốc lấy nhục, chuốc lấy hậu quả đau đớn mà thôi. Phàm là đứa bất nghĩa bất nhân, cái quả báo cho tội lỗi của chúng đã chờ sẵn rồi, chỉ là nó chưa đến nên tưởng rằng không có quả báo mà thôi. Kẻ biết khôn thì sớm quay đầu may ra còn cơ hội chuộc lại lỗi lầm, mở lại con đường làm người tu thân.



_Đoạn Hồng Trần_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad