Post Top Ad

TẢN VĂN

HUYỀN HỌC

Phong Nguyệt Đàm

Post Top Ad

5


Đạo chờ thời của Thánh Nhân

Khổng Tử : "người xử thế mà được như nghĩa quẻ Nhu, thời chắc chẳng bao giờ khốn cùng".


1. Hào Sơ Cửu.



初 九.      需 于 郊。 利 用 恆,無 咎。


Nhu vu giao. Lỵ dụng hằng. Vô cựu.


Nhu tức là chờ đợi.

Vu giao, tức là mảnh đất hoang vu, hoặc cánh đồng hoang vu phía bên ngoài nội thành.

Lỵ dụng hằng, tức là nên giữ thái độ bình thường, chớ nên vội vàng hấp tấp.

Vô cựu, tức là không tội lỗi.


Hào này tượng như một người thương nhân đang trên đường đi đến một tòa thành trì để buôn bán, vẫn còn đứng ở trên một cánh đồng trống bên ngoài thành khá xa thì trông thấy thành trì đó có giao chiến với quân giặc rất ác liệt nguy hiểm. Tuy rằng bản thân người thương nhân còn cách cuộc chiến nguy hiểm đó khá xa, nhưng không vì thế mà anh ta hấp tấp tiến lại gần tòa thành để tranh thủ vào thành giao thương. Mặc dù bản thân còn cách chốn nguy hiểm khá xa, nhưng người thương nhân vẫn giữ một thái độ ung dung như bình thường, không vội vàng, mà chờ đợi quan sát tình hình cuộc chiến thế nào, khi nào mọi chuyện đã yên ổn an toàn thì mới tiếp tục tiến lên. Còn nếu như cuộc chiến vẫn quá ác liệt thì người thương nhân này thà đi về, hoặc đi đến một thành trì khác xa hơn. Chính vì giữ cho bản thân một thái độ bình thường như vậy, không hấp tấp vội vàng, dù còn cách xa nơi nguy hiểm nhưng không vì thế mà khinh xuất, vội vàng, nên mới giữ cho bản thân được bình an, không phạm phải lỗi lầm đáng tiếc.


Hào này lại tượng như một người xem số, xem bói, biết mình đang ở trong vận rất nguy hiểm. Tuy những việc nguy hiểm đó vẫn chưa xảy ra với mình, nhưng không vì thế mà hấp tấp, vội vàng hành sự. Vẫn nhất quyết giữ cho mình một thái độ bình thường, ung dung, nhẫn nhịn chờ đợi cho đến khi vận xấu qua đi rồi mới bắt đầu khởi sự. Chính vì biết giữ cho mình thái độ bình thường, nhẫn nhịn chờ đợi không tham tiến, mà dù cho bản thân đang ở trong vận rất xấu thế nhưng vẫn bình an vượt qua.


Quả thực đạo lý thì rất dễ hiểu, nhưng mà thực hiện thì chẳng dễ chút nào. Con người rất dễ bị cám giỗ bởi những món lợi trước mắt, bất kể là người khôn hay người ngu. Như con thiêu thân lao mình vào ánh sáng, tạo hóa của loài người chính là lòng tham, có người tham danh, có người tham lợi, có người tham tình, có người tham lam một chốn bình yên, ta đôi khi ngỡ mình không tham, nhưng thực ta có tham. Và có những kẻ tham lam đến mức, biết phía trước là vực sâu nhưng vẫn lao mình xuống. Người khôn chính là người vượt qua được cái tham của mình trong buổi hiểm nguy, giữ cho bản thân được bình an trước đã, còn người thì còn cơ hội vẫy vùng.


Không phải bậc kỳ tài nào cũng biết nhẫn nhịn chờ thời, nhưng phàm kẻ biết nhẫn nhịn chờ thời đều xứng đáng với 2 chữ kỳ tài, thậm chí đứng vào hàng thánh nhân. Như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Thủ Độ, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Ánh, Hàn Tín, Da Cát Lượng,... và còn nhiều lắm.


Nghĩa hào này nếu nói dài thì có thể viết thành một bộ truyện ngắn, nhưng nếu nói ngắn thì tóm gọn thế này: Phàm đã nhìn thấy nguy hiểm, dù biết bản thân còn cách xa nguy hiểm, nhưng không vì thế mà khinh xuất vội vàng, phải biết nhẫn nại chờ thời, chớ ngu ngốc mà tưởng là nguy hiểm còn xa thì cứ thế mà đâm đầu vào, có như vậy mới được bình an, không gây ra lầm lỗi.


Phụ Chú: Thưa quý vị, nội dung của quẻ Nhu này nếu như nhất định phải viết thì có khi lại viết thành một thiên tiểu thuyết cũng không chừng, và sau này cũng còn nhiều quẻ như thế, câu từ tuy giản đơn, nhưng diễn giải ra ý tứ thì chẳng biết bao nhiêu cho đủ. Đoạn Hồng Trần tôi đây sẽ cố gắng giản lượt câu từ ở mức tối thiểu, làm sao để không dài dòng nhưng vẫn giữ trọn vẹn đạo lý của kinh dịch không bỏ sót một tinh hoa nào. Mà quá giản lược đôi khi lại thành ra khó hiểu, khó đọc, khó nghe, chính vì thế có một số Hào nhất định phải diễn giải hơi dài dòng, mong Quý Vị thông cảm.


2.  Hào Cửu nhị.  


九 二.      需 于 沙。小 有 言,終 吉。


Cửu nhị. Nhu vu sa. Tiểu hữu ngôn, chung, cát.


Nhu vu sa: Tức là chờ đợi ngoài bãi cát, vu sa là bãi cát.

Tiểu hữu ngôn: Tức là tiếng xì xầm, nói xấu.

Chung: Tức là chung cuộc, kết cục.

Cát: Tức là tốt lành.


Hào này tượng như một người rất khôn ngoan, đang đứng ở bãi cát của một con sông để đợi thuyền qua sông, mà nước sông thì chảy cuồn cuộn rất siết, rất nguy hiểm. Xung quanh có một lũ tiểu nhân đứa đứng kẻ ngồi, xì xầm to nhỏ, chê bai Hào Cửu Nhị không dám bơi qua sông. Nhưng hào Cửu Nhị vẫn mặc kệ, không thèm quan tâm đến lời khẩu thiệt của bọn tiểu nhân, nhục nhã trước mặt bọn tiểu nhân chỉ là cái nhục không có giá trị, tựa như tiếng chó sủa mèo kêu, cần gì phải bận lòng. Chính vì bình tĩnh kiên tâm như thế, mà Cửu Nhị không gặp nguy hiểm, dù bản thân đứng rất gần chỗ nguy hiểm, đợi khi thuyền qua là được đến bờ bên kia an toàn thôi. Kết cục ắt sẽ tốt lành.

Nếu như Cửu Nhị không kiên định, vì một chút bốc đồng mà lao xuống sông, ắt phải gặp kết cục vô cùng bi thảm.


Bãi cát lớn nhất của cuộc đời chúng ta chính là đứng giữa việc chọn sống cho khao khát của bản thân, hay thỏa mãn sự khiêu khích của xã hội. Khao khát, lý tưởng, ước mơ,... đó chính là con thuyền. Sự khiêu khích, đàm tiếu, lời chê khen của xã hội,... chính là bọn tiểu nhân. Và lựa chọn thỏa mãn cho bọn tiểu nhân đó chính là dòng sông cuồn cuộn sóng kia, nó sẽ phá tan giấc mơ của bạn, đập gãy đi lý tưởng và giết chết khát khao được sống một đời không hối tiếc. 


Đương nhiên, sẽ còn nhiều bãi cát khác tương tự như thế. Và ở bãi cát nào cũng có một bọn tiểu nhân.


Việc của chúng ta là hãy làm một hào Cửu Nhị khôn ngoan, mặc kệ lời đàm tiếu gâu gâu hay meo meo gì đó. Chờ đợi con thuyền của mình, và qua bờ một cách an toàn, tiếp tục hành trình của ta trong hạnh phúc. để lại những tiếng gâu gâu meo meo ở phía sau và càng ngày sẽ càng khuất xa không thể với tới bạn được nữa. 


Làm người mà được như Cửu Nhị, tuy bản thân đã rất gần với chốn nguy hiểm, nhưng vẫn cứ bình tĩnh, cẩn thận, biết lựa thời thế phù hợp để hành sự, thì ắt mọi chuyện đến cuối cùng kết quả sẽ được tốt lành thôi, có chăng thiệt thòi lắm là cũng chỉ bị thị phi chút đỉnh bởi lời lẽ tiểu nhân, cũng không có gì đáng để bận tâm.


3. Hào  Cửu tam.


九 三.      需 于 泥,致 寇 至。

Cửu tam. Nhu vu nê. Trí khấu chí.

Vu nê: tức là bãi sìn lầy.

Nhu vu nê: Tức là bị sa vào bãi sìn lầy, đứng chờ trong bãi sìn lầy.

Trí: tức là dẫn dắt.

Khấu: là giặc.

Trí khấu chí: là mình tự dẫn giặc đến để nó hại mình.


Cửu Tam này tượng như một đứa tính tình nóng nảy, hấp tấp vội vàng. Nó đang đi đánh trận nhưng vì tính nó táo bạo nên không biết suy xét cẩn thận, nhìn cho rõ tình hình, để cho bản thân bị lún vào bãi sìn lầy không thể cựa quậy được nữa. Lúc này chỉ còn biết chờ đợi kẻ thù đến chém giết mình mà thôi.


Hào này Hồng Trần tôi thực sự cũng không cần phải vắt óc diễn giải gì nhiều. vì trong lịch sử Việt Nam cũng có 1 trận chiến giống hệt như nghĩa hào này cả nghĩa đen lẫn thâm ý sâu xa. Nay tôi xin phép kể ra đây cho quý vị cùng chiêm nghiệm.


Vào giai đoạn cuộc chiến của quân Lam Sơn được lãnh đạo bởi Vua Lê Lợi chống lại nhà Minh dần đi đến những hồi cuối cùng, có một trận chiến mà bây giờ được gọi là trận Tốt Động - Chúc Động. Quân minh được chỉ huy bởi Vương Thông, ỷ thế quân Minh vừa đông vừa mạnh, lại còn có đội quân súng pháo uy lực nhất thời bấy giờ, nên Vương thông rất ngạo mạn đắc ý. Vì biết được bản tính của tên Vương Thông này tham công, táo tiến mà lại còn khinh địch, nên quân Lam Sơn đã dùng mưu kế để dụ quân Minh sa vào bãi bùn lầy, lúc này cho dù quân Minh có mạnh thì cũng chỉ còn biết đợi quân Lam Sơn đến giết mà thôi. Và kết cục quả thực đúng như thế, quân nhà Minh vì hấp tấp không chịu cẩn thận xem xét mà bị sa vào bãi sìn lầy, trở thành miếng mồi cho quân Lam Sơn mặc sức tung hoành, tử thương vô số kể, đến ngay cả Vương Thông tuy may mắn trốn thoát nhưng cũng bị thương vô cùng nặng.


Quân nhà Minh chính vì không hiểu được đạo lý khi ở trong hoàn cảnh nguy hiểm như chiến loạn, thì bản thân mình là kẻ đánh trận, chính là người đã dấn thân vào nguy hiểm, phải hết sức cẩn trọng mới phải. Chính vì xem thường thời cuộc, táo bạo lộng hành mà phải nhận cái kết đắng, tự gieo thân mình xuống sìn lầy, mời gọi quân thù đến giết. Thật sự không khác nghĩa hào Cửu Tam một chút nào.


Quân Lam Sơn lại chính vì hiểu thấu đạo lý mà vận dụng để đưa quân giặc vào bẫy, tuy ở thế yếu về quân số và vũ khí nhưng lại trở thành kẻ thắng cuộc.


Thế mới thấy người học Dịch đâu chỉ thấu đạo lý tu thân, mà còn có thể dùng Dịch học mà nắm bắt thời thế, Dịch học cũng chính là binh pháp, Dịch học cũng chính là thuật lãnh đạo, Dịch học cũng chính là thuật đắc nhân tâm,... Dịch học bao la, chỉ là rốt cuộc người học thấu được mấy phần mà thôi.


Trong giai đoạn nguy hiểm gần kề mà không biết cẩn thận, bình tĩnh xem xét thời thế, không biết tự kiềm chế bản thân, thì ắt phải trở thành con mồi cho kẻ khác, tự chuốc lấy tai họa. Như con thỏ trước khi ra khỏi hang phải cẩn thận nhìn xem trên trời có đại bàng, dưới đất có cáo, sói hay không, nếu không cẩn trọng ắt phải có lúc chết tươi trong miệng kẻ khác.


4. Hào  Lục tứ.


六 四.      需 于 血,出 自 穴。

Lục tứ. Nhu vu huyết. Xuất tự huyệt.

Huyết: là máu.

Nhu vu huyết: là chờ đợi trong chốn nguy hiểm, máu huyết tanh hôi.

Xuất: tức là ra, như xuất hành chẳng hạn.

Huyệt: tức là một cái chỗ nhỏ, cũng có nghĩa tương tự như cái lỗ.

Xuất tự huyệt: tức là dù cơ hội chỉ nhỏ nhoi thôi nhưng vẫn có thể thoát ra.


Hào này tựa như một người đã bị lạc vào vòng nguy hiểm, tuy cơ hội để thoát hiểm là không lớn, nhưng vì hào Lục Tứ là một người thông minh khôn khéo, biết tùy thời mà xử sự, tùy cơ ứng biến, nên cuối cùng vẫn thoát ra khỏi cảnh nguy hiểm đó được.


Tại sao hào Lục Tứ đã lọt vào chốn nguy hiểm nhưng vẫn có thể thoát ra, còn Cửu Tam tuy chỉ mới gần kề nguy hiểm thôi mà lại có kết cục bi thảm. Chính là bởi vì Lục Tứ biết khôn khéo tùy thời thế mà xử sự nên tuy đã rơi vào chốn hiểm nguy nhưng vẫn có thể thoát ra, còn Cửu Tam thì bởi vì không biết khéo léo xem thời thế mà lại còn hấp tấp vội vàng, chính là tự đưa bản thân mình vào hiểm cảnh. Nếu Cửu Tam biết bình tĩnh như Cửu Nhị, hay biết khôn khéo như Lục Tứ thì làm gì nên nổi chuốc lấy tai họa.


Thế mới thấy, đôi khi bình an hay nguy khốn, lành hay dữ không hẳn hoàn toàn bị chi phối bởi thời cuộc, mà còn phải xem con người trong hoàn cảnh đó cư xử ra sao nữa. Không phải lúc nào táo bạo cứng rắn cũng tốt, đôi khi cần mềm dẻo nhu thuận, như một hòn đá to không thể lọt qua khe nứt nhỏ, nhưng một dòng nước to thì hoàn toàn có thể lọt qua nứt nhỏ, có chăng là cần tốn chút thời gian. Thế gian này có nhiều lúc ta thật sự nên nhẫn nhịn, khéo léo, và cả một chút kiên trì nữa, tuy sẽ mất chút ít thời gian, nhưng rồi sẽ thoát khỏi cảnh khốn đốn thôi.



5.  Hào  Cửu ngũ.

九 五.     需 于 酒 食,貞 吉。

Cửu ngũ. Nhu vu tửu tự. Trinh, cát.

Tửu tự: tức là ăn uống no say, ý chỉ cuộc sống đầy đủ vui vẻ.

Trinh: tức là trong sạch, bền vững; Trinh: tức giữ vững tấm lòng của mình chung thủy như thuở ban đầu.

Trinh, cát: tức là giữ được tấm lòng trung trinh chính nghĩa như thuở ban đầu, thì ắt được tốt lành dài lâu.


Hào cửu ngũ này tượng như một vị vua có tài có đức, trị vì đất nước làm cho dân chúng ai nấy cũng được bên trong thì no bụng, ngoài thì vui vẻ hạnh phúc. Xưa nay, muốn quốc gia được an ổn lâu dài thì trước phải cho dân được no, có no bụng thì mới sinh ra được an lạc hạnh phúc, có no bụng thì mới minh mẫn trí tuệ mà quan tâm đạo lý, có no bụng thì mới khỏe mạnh mà lao động, có no bụng thì mới gọi là thái bình, không có chiến tranh nhưng dân chúng vẫn đói khổ thì đó chỉ có bình chứ không có thái, bình mà không thái thì cái bình đó vô nghĩa.

Hào cửu ngũ này làm cho dân được ấm no, một vị nguyên thủ tài đức được như thế thì ắt sẽ gặp được tốt lành mà thôi.

Nhưng chúng ta đã xem đến quẻ Nhu này, trải qua 4 quẻ CÀN - KHÔN - TRUÂN - MÔNG, có lẽ không còn lạ lẫm với đạo lý họa thường từ chỗ yên ổn hạnh phúc mà sinh ra, có câu "nhàn cư vi bất thiện" cũng là đạo lý tương tự như thế. Thánh nhân chính là sợ người đời vì chìm đắm trong an lạc mà nảy sinh nên mầm mống bất chính. Thế nên đặt vào hào Cửu Ngũ này 1 chữ Trinh để khuyên Cửu Ngũ dù trong hoàn cảnh thái bình hạnh phúc, thì cũng phải giữ vững tấm lòng của mình được thủy chung như thuở ban đầu, có như thế thì mới được thái bình hạnh phúc dài lâu. Nếu không biết giữ được đức Trinh, thì cũng như hào từ hào này bỏ mất chữ Trinh, chỉ còn chữ cát, vẫn được thái bình đó, nhưng cũng chỉ là sớm nở chóng tàn mà thôi, chẳng được bền vững kiên trinh.

Thực tế hầu như phần lớn các triều đại trong lịch sử thế giới, không riêng một quốc gia nào, sụp đổ đều là bởi vì không giữ được chữ Trinh này, sau khi thái bình rồi thì chỉ biết đắm chìm vào hưởng lạc, đạo đức suy đồi, năng lực từ vua đến quan dần bị bào mòn qua các cuộc yến lạc, rồi làm sao mà tránh khỏi chuyện bị cơn bão thời cuộc cuốn trôi.



6. Hào  Thượng Lục.


上 六:. 入 于 穴 , 有 不 速 之 客 三 人 來 , 敬 之 , 終 吉 .

Thượng Lục. Nhập vu huyệt, hữu bất tốc chi khách, tam nhân lai, kính chi, chung cát.

Nhập vu huyệt: tức là vào trong hang, hoặc là lâm vào chốn hiểm nguy.

Hữu bất tốc chi khách, tam nhân lai: tức là có 3 vị khách tuy không mời nhưng lại đến.

Bất tốc: là chẳng mời.

Kính chi: tức là tiếp đón một cách kính cẩn, tôn trọng.

Chung cát: tức là kết quả chung cuộc sẽ được tốt lành.


Phụ chú: Đối với nhiều quẻ khác, phàm là tới hào số 6 tức là hào thượng thì thường là kết quả sẽ xấu, nhưng tại sao quẻ Nhu này hào thượng lại được chung cát. Thật ra những kiến thức này, Đoạn Hồng Trần tôi vẫn là dự định sẽ truyền tải một cách đầy đủ trong bộ Kinh Dịch mà một thời gian sau này tôi sẽ chắp bút. Nhưng đối với hào này thì thật sự cần phải giải thích rõ ràng, nếu không sẽ rất khó để hiểu thấu đáo nghĩa của hào này.


Quẻ này nhìn chung đại khái là hoàn cảnh của những người vì nhìn thấy tình thế trước mắt, thế cuộc trong tương có màu ảm đạm, hiểm nguy. Vì thế cho nên phải chờ đợi, xem xét thời cuộc cho cẩn thận rồi mới dám hành sự, ngõ hầu cũng là vì giữ cho mình được bình an. 


Vậy Hào Thượng Lục này đã là hào ở vị trí nguy hiểm nhất, đáng sợ cao nhất rồi. Chính vì thế Thánh Nhân mới nói "Nhập vu huyệt", tức là đã lâm vào hiểm cảnh mất rồi, chứ chẳng còn chờ đợi gì nữa. Nhưng hào này vạch đứt tức là âm hào, chứng tỏ người này mưu cơ rất tinh vi, biết cách nhún nhường chứ không táo bạo liều mạng, đã vậy hào thượng cũng là vị âm, âm hào ở vị trí âm tức là đắc chính, nghĩa là người này được giữ địa xứng với tài năng của bản thân. Mà địa vị của hào thượng thì có thua kém gì hào ngũ đâu, cũng tượng như một kẻ ngồi ở ngôi rất cao, một kẻ ở ngôi vị cao mà lại có tài năng xứng với địa của mình, đã thế lại còn biết nhu thuận theo thời thế, không hấp tấp dồn dập thỏa mãn lòng tham trước mắt. Người như thế tuy lâm vào cảnh nguy khốn nhưng cũng chưa chắc gì thật sự nguy.


Lại nói đến "hữu bất tốc chi khách, tam nhân lai": Có nghĩa là tuy bản thân không mời mọc nhưng lại có 3 người khách đến để đầu quân cho mình, giúp mình vượt qua thời nguy hiểm. Hào Thượng cũng là ở thời điểm cùng cực, cuối cùng của quẻ, vậy tức là cái thời hiểm nguy đã đến cùng cực rồi, là lúc nguy hiểm nhất, nhưng cũng chính là lúc nó sắp kết thúc, có câu "cùng cực tất thông" chính là ý tứ như thế. Mà một thời đại kết thúc, chuyển giao qua thời đại mới, chẵng lẽ nó lại cứ thế mà tự nhiên chuyển giao sao, cần phải có tác nhân chứ, tác nhân đó chính là hành động của nhân sinh. Phàm ở thời kỳ hiểm nguy đã đến cực điểm, chẳng phải như thế là rất đau khổ, rất nhiễu nhương hay sao. Đang lúc nhân sinh chìm đắm trong vũng lầy của biến loạn, đọa đày thân mình ở chốn đau thương, mà lại xuất hiện một bậc lãnh đạo có tài Nhu Thuận đứng ra để thay đổi thời thế, ắt sẽ có nhân tài khắp nơi tìm đến để đầu quân, dù cho bản thân người lãnh đạo là Thượng Lục cũng chẳng biết họ ở đâu để mời đến. Tựa như khi xưa Lê Lợi khởi nghĩa, đang lúc hiểm nguy bế tắc thì Nguyễn Trãi tìm đến cùng bộ Bình Ngô Đại Cáo trong tay, thế cục từ đó đã dần dần đổi chiều khi có nhân tài về đầu quân.


Nhưng nhân tài tìm đến mà mình lại không trân trọng tiếp đón thì làm sao mà thành đại sự, chính vì thế mới có câu "Kính chi, chung cát". Phải kính trọng, trân trọng lấy những bậc nhân tài tìm đến mình thì chung cuộc tất được mỹ mãn.


Tổng Luận


Ở Quẻ này ta thấy được rằng tuy thời cuộc, hoàn cảnh đang nguy hiểm nhưng chỉ có 1 hào duy nhất là gặp kết cục xấu mà thôi, đó là hào Cửu Tam. Còn lại thì tới tận 3 hào được cát là hào Thượng Lục, Cửu Ngũ và Cửu Nhị. 2 hào còn lại không tốt nhưng cũng không xấu. Tại sao lại như vậy cơ chứ? Rõ ràng là hoàn cảnh nguy hiểm cơ mà, cớ sao lại chỉ có một hào xấu, đã thế lại còn có đến 3 hào được kết quả cực kỳ tốt là cát nữa. 


Thế mới thấy được cái tinh hoa của Dịch học, nếu nói thời đại xấu mà người ở trong thời ấy chắc chắn phải gặp hoạn nạn thì quả thực là quá nông cạn. Thời thế chi phối được hoàn cảnh của con người, nhưng con người cũng có thể lấy sức mình mà khống chế ngược lại thời thế. Như trong Truyện Kiều có câu "xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều", thắng thiên ở đây không phải là thắng Thượng Đế, thắng Ông Trời, thắng Thần Linh, mà là thắng 2 chữ "thiên thời", tức là chiến thắng thời cuộc, chiến thắng hoàn cảnh.


Có câu "thời thế tạo anh hùng", có những kẻ chính vì gặp đúng thời thế phù hợp với mình mà trở thành anh hùng. Nhưng cũng có câu "anh hùng tạo nên thời thế", có những người chính là dùng tài năng của mình mà thay đổi cục diện, tạo nên thời thế theo ý muốn của mình. Hào Cửu Ngũ chính là một kẻ "anh hùng tạo nên thời thế". Ta thấy rằng hào Lục tứ là vừa chính thức bước chân vào thời hiểm, mà hào Thượng Lục thì đã đến lúc hiểm vào giai đoạn cuối cùng, vậy tức là hào Cửu Ngũ chính thức đang ở giữa thời hiểm loạn. Ở giữa thời hiểm như thế mà cớ sao lại được cát cơ chứ, chẳng phải chính là bởi vì lấy tài đức của một bậc minh quân chính trực, Cửu Ngũ dương hào cư dương vị vừa đắc trung lại còn đắc chính, đã thế còn giữ vững tâm thái chính nghĩa không lay chuyển. Trong thời hiểm mà có được bậc lãnh đạo như Cửu Ngũ làm chủ thì dân chúng ắt được cơm no rượu say, giữa thời hiểm mà vẫn được hưởng thái bình.


Cửu Nhị tuy đã rất gần hiểm nhưng vì bình tĩnh, lòng không xao động, biết lựa thì thế mà tiến. Thượng Lục tuy đã lâm vào lúc hiểm đáng sợ nhất, nhưng vì khôn khéo, biết trọng người tài, thế nên cả 2 đều nhận được kết cục tốt đẹp.


Sơ Cửu và Lục Tứ, tuy không có tài lớn nhưng lại biết nhìn thời thế, cẩn trọng xem xét mà cuối cùng cũng tránh khỏi tai họa.


Duy chỉ có đứa ngu như Cửu Tam, trong thời nguy hiểm mà lại ham tiến, không biết cẩn thận xuy xét thì mới rơi vào kết cục bi thảm mà thôi.


Thế mới thấy đâu phải thời kỳ hiểm nguy thì đáng sợ, chỉ sợ người ngu không biết xem xét thời thế mà thôi. Ở thời hiểm mà có tài được như Cửu Ngũ, thậm chí trong giữa lúc hiểm mà vẫn dựng nên thái bình. Chỉ có đứa cố tình lao đầu vào chỗ chết thì mới chết, còn người đã biết nhìn thời thế, biết suy xét trước sau, thấy thời hiểm có khi lại còn phá lên cười, chốn này để cho ta vẫy vùng một phen.


Đoạn Hồng Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad